Trang chủ » BLOG » Công nghiệp phục hồi: Tiếp tục gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp  

Sản xuất công nghiệp tháng 7/2022 tiếp tục phục hồi do các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời cũng là ngành dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng năm 2022, IIP tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO DẪN DẮT TĂNG TRƯỞNG

Trong mức tăng trưởng chung của toàn ngành, công nghiệp chế biến vẫn dẫn đầu với mức tăng 9,7%, đóng góp 7,6 điểm phần trăm; tiếp đến là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,4%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 3,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

IIP tăng trở lại cho thấy xu hướng phục hồi ngày trở nên rõ nét hơn của nền kinh tế. Đặc biệt, IIP 7 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước đã tăng ở 61 địa phương và chỉ giảm ở 2 địa phương trên cả nước. Thậm chí, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Cụ thể, Bắc Giang tăng 53,4%; Hà Giang tăng 27,7%; Bình Phước tăng 25%; Khánh Hòa tăng 23,2%; Quảng Nam tăng 21,7%; Sơn La tăng 15,7%; Đắk Lắk tăng 14,5%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao là Điện Biên tăng 59,8%; Cao Bằng tăng 57,2%; Lai Châu tăng 56,3% do thủy điện tăng cao.

Tuy nhiên, ngược lại, một số địa phương vẫn có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm khi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.

Ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm. Cụ thể, Bình Định tăng 6,5%; Bắc Kạn tăng 4,5%; Quảng Ngãi tăng 4,9%; Đà Nẵng tăng 4,1%; Ninh Bình tăng 2,6%; Ninh Thuận tăng 5,9%; Hà Tĩnh giảm 38,3%; Trà Vinh giảm 39,5%.

Về tình hình lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 1/7/2022 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 11,3% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước không đổi và giảm 5,1%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,7% và tăng 6,6%; doanh nghiệp FDI tăng 1,5% và tăng 14,1%. Kết quả này cho thấy, số lượng doanh nghiệp trong khu vực công nghiệp đã được cải thiện hơn.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp hiện nay là tình trạng thiếu lao động. Đây cũng là vấn đề đã được các bộ ngành đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Hiện kinh tế Việt Nam đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, một trong số đó là tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt các ngành có xu hướng phục hồi nhanh như du lịch và ở một số địa phương là trung tâm công nghiệp lớn.

Đối với tình hình thu hút vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho rằng đây là một điểm sáng đáng ghi nhận.

Tính đến ngày 20/7/2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới FDI lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 3,98 tỷ USD, chiếm 69,5% tổng vốn đăng ký cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,37 tỷ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

CẦN CÓ NHỮNG GIẢI PHÁP VƯỢT THÁCH THỨC

Đánh giá kết quả của sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2022, Bộ Công Thương cho rằng mặc dù phục hồi tích cực, song vẫn còn một số khó khăn do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận tải, logistics vẫn ở mức cao, thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực,… đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp. Một số địa phương trọng điểm công nghiệp chế biến, chế tạo như TP.HCM, Long An… vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng như trước khi xảy ra dịch bệnh.

Dự báo về tình hình những tháng cuối năm, Bộ Công Thương nhận định sẽ còn nhiều thách thức trong bối cảnh lạm phát tăng tại nhiều thị trường nhập hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU…đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là nguồn cung về nguyên vật liệu, các vật tư chiến lược như xăng dầu, phân bón hoặc các hóa chất cơ bản là các nguyên liệu cho các ngành sản xuất mà Việt Nam đang có lợi thế trong việc xuất khẩu. Thực tế này buộc các ngành hàng, doanh nghiệp phải linh hoạt, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

Nhằm hóa giải thách thức cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các cơ quan chức năng cần tạo cơ hội cho doanh nghiệp kết nối đầu chuỗi, tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam để giảm chi phí nhập khẩu và tránh đứt gãy nguồn cung, đồng thời tạo thuận lợi cho nhà sản xuất trong nước bán được hàng.

Đồng thời nhằm bình ổn giá thị trường nguyên, nhiên liệu, các cơ quan chức năng cần có sự tác động để ổn định giá xăng dầu và lạm phát. Bởi khi giá xăng dầu tăng sẽ tác động tới nguồn nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết thời gian tới, để phấn đấu đạt mục tiêu IIP cả năm tăng từ 7% – 8%, Bộ sẽ sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 và Chương trình phục hồi kinh tế.

Tập trung cao để hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2022, các dự án sửa đổi, bổ sung các luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành…

Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.

Đặc biệt, tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Đối với mặt hàng xăng dầu, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, tiến độ nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp để điều hành phù hợp; phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để kiến nghị Chính phủ trình Ủy Ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ khuyến khích doanh nghiệp tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp.

-Huyền Vy

Viết một bình luận

Generated by Feedzy