Mặc dù bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng mưa lớn đang tiếp tục diễn ra tại khu vực Bắc bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. Qua rà soát, dân số ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc đến Nghệ An vào khoảng 115.000 người, vì vậy các địa phương đã sẵn sàng phương án sơ tán dân theo diễn biến thực tế mưa, lũ…
Sáng 11/8, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 2 (tên quốc tế là Mulan) và mưa, lũ sau bão.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết rạng sáng ngày 11/8, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 7 giờ ngày 11/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc của Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
MƯA LỚN NGUY CƠ GÂY NGẬP ÚNG, LŨ QUÉT
Theo ông Lâm, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, Phủ Liễn (Hải Phòng) có gió giật cấp 6. Trong 9 giờ vừa qua một số nơi đã có mưa rất to như Cô Tô (Quảng Ninh) 136.9mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 124.7mm, Ba Chẽ (Quảng Ninh) 116,2mm, Kiến An (Hải Phòng) 102,8mm…
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Bắc bộ và suy yếu dần thành vùng áp thấp.
Đến 4 giờ chiều nay (11/8), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới sẽ ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
“Mưa lớn đang diễn ra tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc bộ, sau đó mở rộng ra khu vực Sơn La, Hòa Bình. Từ ngày 11/8 đến ngày 12/8, khu vực Bắc bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt”.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.
Báo cáo tại cuộc họp, các cơ quan chức năng cho biết sản xuất nông nghiệp đang đối diện với nguy cơ ngập úng, nếu không có giải pháp ứng phó sẽ chịu thiệt hại lớn.
Về tình hình khách du lịch, tại Quảng Ninh và Hải Phòng hiện có tổng số 13.465 khách du lịch (Quảng Ninh 8.736 khách; Hải Phòng 4.729 khách). Tỉnh Quảng Ninh đã di chuyển 28/204 khách du lịch từ Cô Tô, Vân Đồn vào bờ; 176 khách trên đảo được bố trí nơi ở an toàn. Hải Phòng cũng đã di chuyển 1.147/4.129 khách du lịch từ Cát Bà vào bờ; 2.982 khách trên đảo được bố trí nơi ở an toàn.
Đối với sản xuất nông nghiệp, tại khu vực phía Bắc đến Nghệ An, tổng diện tích lúa mùa đã gieo cấy khoảng 1 triệu ha theo kế hoạch (đạt 97,6%) và chưa đến kỳ thu hoạch.
Nguy cơ ngập úng đối với lúa mùa rất cao, vì vậy các tỉnh cần sẵn sàng phương án tiêu úng cho các diện tích lúa mới gieo cấy. Ngoài lúa, thì nhiều diện tích cây trồng khác cũng có nguy cơ ngập úng, như: diện tích rau màu gieo cấy 65.000 ha; 235.000 ha cây ăn quả…
Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có 98.303 ha diện tích, 20.861 lồng, bè nuôi trồng thủy sản, 2.851 chòi canh với 6.302 người. Hiện các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã hoàn thành sơ tán người lao động trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản vào nơi an toàn.
Đối với giao thông, vị trí giao thông có nguy cơ sạt lở, ngập lụt có 2.362 điểm (Cao Bằng 36, Lạng Sơn 67, Quảng Ninh 131, Thái Nguyên 130, Bắc Kạn 150, Bắc Giang 39, Hà Giang 104, Tuyên Quang 327, Lào Cai 700, Yên Bái 57, Lai Châu 200, Điện Biên 170, Sơn La 72, Hoà Bình 57, Phú Thọ 23, Thanh Hóa 15, Nghệ An 84). Các tỉnh đã sẵn sàng phương án cảnh báo, tổ chức canh gác tại những khu vực nguy hiểm.
SẴN SÀNG SƠ TÁN DÂN TẠI NƠI NGUY CƠ LŨ QUÉT
Cơ quan chức năng cho biết rà soát số dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Miền núi phía Bắc đến Nghệ An là 114.895 người (Cao Bằng 3.219 người, Lạng Sơn 8.632 người, Thái Nguyên 279 người, Bắc Kạn 7.552 người, Hà Giang người 315, Tuyên Quang 375 người, Lai Châu 9.580 người, Điện Biên 13.300 người, Sơn La 9.690 người, Hoà Bình 16.010 người, Phú Thọ 12.225 người, Thanh Hóa 33.718 người. Các tỉnh đã sẵn sàng phương án sơ tán dân theo diễn biến thực tế mưa, lũ.
Đại diện Cơ quan Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Biên phòng phát biểu tại cuộc họp.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, nhận định: Hoàn lưu vùng áp thấp sẽ tiếp tục gây mưa vừa, mưa to tại các tỉnh Bắc bộ và gió mùa Tây Nam sẽ tiếp tục hoạt động mạnh.
“Các tỉnh miền núi phía Bắc phải rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt”.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai.
Để ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại, các tuyến biển, đảo cần hường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thông báo đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế – xã hội phù hợp khi đã đảm bảo an toàn. Khu vực đồng bằng và ven biển Bắc bộ cần theo dõi tình hình thời tiết, sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lớn; Kiểm tra hệ thống thoát nước, tổ chức tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Ông Tiến yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc cần chỉ đạo lực lượng xung kích rà soát, khơi thông các dòng chảy, các điểm bị tắc nghẽn trên các sông suối, kiểm tra rà soát, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm và canh gác, hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông an toàn tại các trọng điểm xung yếu.
Đồng thời khẩn trương triển khai phương án bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố giao thông. Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.
-Chu Khôi