Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu quần áo, giày dép và nội thất lớn nhất thế giới, nhưng đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt tại các thị trường lớn ở châu Âu và Mỹ, khiến sức mua của người tiêu dùng toàn cầu sụt giảm đáng kể…
Trong những tháng gần đây, dù lạm phát đã hạ nhiệt tại một số quốc gia nhưng sức mua vẫn chậm, hàng hóa tồn kho còn lớn, khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi, thậm chí là giày dép đang thiếu hụt đơn hàng. Trong bối cảnh đó, ngành dệt may tại Việt Nam cho rằng để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển, doanh nghiệp không cách nào khác phải đi theo con đường sản xuất bền vững.
CON ĐƯỜNG DUY NHẤT: SẢN XUẤT BỀN VỮNG
Các mẫu vải, các bộ sưu tập thời trang làm từ sợi gai, sợi sen, bã cà phê, lá dứa… đã khiến khách tham quan vừa bất ngờ, vừa thích thú tại “Triển lãm quốc tế vải cao cấp – Texfuture Việt Nam Xuân – Hè 2023”. Xu hướng xanh hóa ngành dệt may, thời trang đang được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm khi mạnh dạn ứng dụng ý tưởng mới bên cạnh công nghệ hiện đại nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Vải sợi dứa và sợi lá dứa thô của Công ty cổ phần Nghiên cứu sản xuất và phát triển sợi Eco (Ecosoi) là dòng sản phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đẹp, lành tính, thấm hút mồ hôi tốt; sợi dứa thô hay vải từ sợi dứa của Ecosoi được xếp vào dòng nguyên liệu bền vững, mở ra thị trường tiêu thụ lớn trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Văn Hạnh, đồng sáng lập và là Giám đốc sản xuất của Ecosoi, cho biết việc phát triển sợi dứa vừa là giải pháp ngành may mặc bền vững, vừa bảo vệ môi trường vừa nâng cao giá trị cây dứa, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn.
Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Gai Thiên Phước khiến nhiều đối tác, doanh nghiệp trong ngành thích thú vì đã chủ động được vùng nguyên liệu khoảng 6.000ha cây gai trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Sản phẩm từ sợi gai của công ty này hiện nay khá đa dạng và cam kết cung cấp đúng và đầy đủ các yêu cầu của khách hàng từ chất lượng, số lượng đến các chứng chỉ liên quan đến thành phần kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế. Còn Công ty Faslink lại mang đến một loạt sản phẩm vải, thời trang từ các nguyên liệu thân thiện môi trường như sợi bạc hà, xơ dừa.
Các mẫu vải, các bộ sưu tập thời trang làm từ sợi gai, sợi sen, bã cà phê, lá dứa… thu hút khách tham quan tại “Texfuture Việt Nam Xuân – Hè 2023”.
Tại Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023, Thư viện vải vóc số hóa đầu tiên tại Việt Nam đã được giới thiệu. Cùng với đó là những xu hướng họa tiết, công nghệ tiên tiến nhất trong ngành dệt may như vải kết hợp công nghệ ảo hóa, công nghệ 3D, vải chức năng có thành phần từ nguyên liệu tái chế… Qua đó cho thấy xu hướng công nghệ xanh đang diễn ra mạnh mẽ trong ngành dệt may Việt Nam.
Theo bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng giám đốc Công ty Faslink, trong giai đoạn giãn cách xã hội, doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ thiết kế Style 3D, từ việc xây dựng một kho vải kỹ thuật số cho phép khách hàng ở bất kỳ đâu cũng có thể truy xuất thông tin, tính năng kỹ thuật và họa tiết của từng mẫu vải. Điều đặc biệt là từ một mẫu vải đến khi ra thành phẩm theo yêu cầu của khách hàng chỉ cần vài ngày, so với trước đây phải cần vài tháng. “Như vậy công nghệ này không chỉ mở ra một kênh tiếp thị, tiếp cận khách hàng mà còn tiết giảm về thời gian, chi phí sản xuất rất lớn cho doanh nghiệp”, bà Trần Hoàng Phú Xuân cho biết.
Trong khuôn khổ triển lãm, tại diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu, phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định mô hình kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển xanh, bền vững của ngành dệt may Việt Nam. Mô hình này cần được nhìn nhận ở cả chuỗi giá trị, từ sản xuất, nguồn nguyên vật liệu đến khâu tiêu thụ. Theo đó, ngành dệt may cũng cần xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.
“Cụ thể, toàn ngành có thể xây dựng hệ thống, trung tâm cơ sở dữ liệu thông tin về thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn tại các doanh nghiệp dệt may; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tận dụng thông tin, dữ liệu, kỹ thuật và nguồn lực từ các tổ chức quốc tế; đảm bảo cung cấp thông tin theo thời gian thực, cập nhật định kỳ cho doanh nghiệp về nguồn cung – cầu liên quan đến phụ phẩm, bán thành phẩm, sản phẩm tái chế…”, PGS.TS. Quân hiến kế…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2023 phát hành ngày 03-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
-Lưu Hà