Ba ngành dệt may, da giày và đồ gỗ là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam, có mức tăng trưởng xuất khẩu rất cao và ổn định. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động đã làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhu cầu suy giảm. Vì vậy, tìm giải pháp khai thác thị trường đầu ra cho ba ngành này hiện nay là thực sự cần thiết.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm đồ gỗ chỉ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 18,9 tỷ USD, giảm tới 15,1%. Còn tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1%.
Chia sẻ tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023 với chủ đề “Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày”, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết sau nhiều năm tăng trưởng, thời gian qua ngành gỗ có sự sụt giảm rất mạnh về xuất khẩu, nguyên nhân do cầu thế giới giảm. Mức giảm sâu hơn ở nhóm sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất, đặc biệt nhóm hàng tinh chế có giá trị gia tăng cao hơn có mức giảm lên đến trên 30%.
Mấy năm gần đây ngành gỗ tăng trưởng khá nóng, tăng liên tục trên hai con số. Tuy nhiên, các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ khởi xướng điều tra và áp đặt với một số sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng tác động đến tăng trưởng xuất khẩu. Ngoài ra, hiện một số thị trường lớn thường “nội soi” các sản phẩm xuất khẩu gỗ từ Việt Nam rất kỹ vì có những quy định mới về môi trường và đa dạng sinh học.
Với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cũng thừa nhận tất cả những biến động của thị trường thế giới, đặc biệt những thị trường lớn đã dội vào ngành dệt may. Là ngành phát triển khá nóng trong thời gian vừa qua nhưng gần đây, nhất là bắt đầu từ quý 4/2022 cho đến hết 7 tháng năm 2023, dệt may cũng như nhiều ngành hàng khác gặp nhiều khó khăn và chưa khi nào khó khăn như vậy.
PHÍA TRƯỚC CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
7 tháng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ đạt 22,8 tỷ USD – giảm 14,7 tỷ USD so với năm 2022. Tất cả các sản phẩm may mặc, vải, xơ sợi xuất khẩu… đều giảm sâu. Nếu xét theo từng tháng, những tháng gần đây xuất khẩu của ngành có vẻ khá lên, tỷ lệ giảm thấp dần: 6 tháng kim ngạch xuất khẩu giảm 17,6% đạt 3 tỷ USD, 7 tháng giảm còn khoảng 14,7%.
Tuy nhiên, ông Cẩm cho rằng con số này chưa phản ánh đúng hiện trạng của doanh nghiệp. Bên cạnh thiếu đơn hàng đang là vấn đề nổi cộm, đơn giá của doanh nghiệp dệt may cũng rất thấp. Doanh nghiệp phải nhận cả đơn hàng không phải thế mạnh để sản xuất. Hậu quả là năng suất thấp, hiệu quả không nhiều, mục tiêu là giữ việc làm cho người lao động, thậm chí chịu lỗ.
Cũng như nhiều ngành hàng xuất khẩu khác, nguyên nhân khiến xuất khẩu của ngành dệt may sụt giảm là do xung đột địa chính trị, hậu quả dịch bệnh, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm tại những thị trường lớn, tồn kho tăng.
“Tổng cầu dệt may thế giới năm nay có khả năng giảm 8-10%, chắc chắn ngành dệt may Việt Nam còn khó khăn ít nhất đến hết năm nay và sang đầu năm 2024. Trong tình hình đó, chúng tôi dự kiến, khó khăn của ngành dệt may Việt Nam phải kéo dài cho đến sang năm”, ông Cẩm nhận định. Đồng thời, ông dự báo năm 2023 ngành dệt may Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu trên dưới 40 tỷ USD, giảm khoảng 9-10% so với năm 2022.
Với ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, dự báo tình hình suy giảm xuất khẩu của ngành còn kéo dài cho đến quý 1/2024, không thể chấm dứt ngay. Hiện đơn hàng từ thị trường Mỹ giảm tới 35%, còn EU giảm 13%.
“Chúng tôi nhận thấy khó khăn trước mắt của ngành da giày là tình trạng thiếu đơn hàng. Mức độ thiếu đơn hàng của doanh nghiệp là 30 -50% đối với những khách hàng truyền thống, đặc biệt đối với thị trường Mỹ và EU – hai thị trường chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành. Để bù đắp thiếu hụt này, chúng ta cần nhìn nhận cơ hội ở các thị trường khác”, bà Xuân nhấn mạnh.
NỖ LỰC TÌM THỊ TRƯỜNG NGÁCH
Để tìm được đầu ra cho ba ngành xuất khẩu chủ lực này, với ngành gỗ, ông Hoài cho rằng, doanh nghiệp gỗ rất cần sự hỗ trợ tiếp tục từ phía Bộ Công Thương, các thương vụ ở nước ngoài về vấn đề tiếp thị sản phẩm gỗ của Việt Nam, giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường.
Các nội dung cần tiếp thị gồm: sản phẩm gỗ sản xuất có chất lượng tốt; giá cả cạnh tranh. Thương vụ hỗ trợ truyền tải thông điệp Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế để bảo đảm cung ứng gỗ hợp pháp: Việt Nam đã đóng rừng tự nhiên, chuyển hẳn sang làm lâm nghiệp trong khai thác gỗ rừng trồng… nhằm tạo được lòng tin với khách hàng.
Theo bà Xuân, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp tốt nhất để bù đắp tình trạng thiếu hụt đơn hàng từ nay cho đến đầu năm sau. Vì thế, Hiệp hội rất cần sự hỗ trợ của các thương vụ nước ngoài trong hoạt động này.
Cụ thể, các thương vụ có thể trực tiếp kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các khách hàng quan tâm. Việc kết nối thông tin cần được thúc đẩy mạnh hơn và tốt hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, để hoạt động kết nối hiệu quả, có thể sử dụng kênh internet để tổ chức các buổi kết nối trực tiếp…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2023 phát hành ngày 07-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
-Song Hà