Trang chủ » BLOG » “Ông lớn” ngành sữa cam kết hỗ trợ các đối tác thu gom và tái chế rác thải bao bì

Vỏ hộp sữa được xem là một trong những loại rác thải khó phân hủy, khó tái chế bởi nó được tổng hợp từ nhiều loại vật liệu. Tuy gây tác động lớn tới môi trường nhưng hiện việc thu gom và tái chế hộp sữa mới chỉ dừng lại ở các dự án manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc, rất cần được hỗ trợ để triển khai đồng bộ…

Theo thống kê, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Trung bình mỗi ngày có hơn 120.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam và lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị lớn tăng 16%/năm.

Với các vỏ hộp sữa, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường đến 10-15 tỷ vỏ hộp, nhưng con số thu gom và tái chế các loại vỏ đồ uống chưa đến 5%. Loại rác thải này được xem là một trong những loại rác thải khó phân hủy, khó tái chế, cần phải qua nhiều công đoạn, ứng dụng dây chuyền, máy móc hiện đại để bóc tách, bởi nó được tổng hợp từ nhiều loại vật liệu.

Nếu được thu gom và tái chế đúng cách, vỏ hộp sữa giấy có thể trở thành nguồn nguyên liệu và các sản phẩm hữu ích.

Tuy gây tác động lớn tới môi trường nhưng hiện việc thu gom và tái chế hộp sữa mới chỉ dừng lại ở các dự án manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc. Nếu không được đầu tư thu gom, phân loại và tái chế đúng cách, ngoài việc gây ra các tác hại đến môi trường đất, nước, không khí, rác thải từ vỏ hộp này còn gây thất thoát nguồn tài nguyên có giá trị và thiệt hại về kinh tế.

Trước thách thức này, FrieslandCampina – Tập đoàn sở hữu thương hiệu Sữa Cô Gái Hà Lan, Friso, Yomost… đặt bao bì bền vững là 1 trong 6 trọng tâm trong chiến lược Phát triển bền vững của Tập đoàn, với mục tiêu cụ thể là tới năm 2030, 100% lượng bao bì công ty sử dụng và sản xuất sẽ được thu gom và tái chế.

Để theo đuổi mục tiêu này, ngay từ năm 2019, FrieslandCampina Việt Nam đã cùng 8 công ty khác tại Việt Nam đồng sáng lập Liên minh Bao bì Tái chế Việt Nam (PRO Việt Nam) với sứ mệnh nâng cao năng lực thu gom tái chế của các thành viên trong liên minh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì một Việt Nam Xanh, Sạch, Đẹp. Hiện nay 95% bao bì của FrieslandCampina Việt Nam đã là bao bì có khả năng tái chế, trong đó đặc biệt có bao bì giấy nâu thân thiện môi trường làm bằng chất liệu PE sinh học (Bio-PE) có nguồn gốc từ bã mía của nhãn hàng sữa Cô Gái Hà Lan được đưa ra thị trường vào giữa năm 2022.

Tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ của mình trong việc nâng cao năng lực thu gom và tái chế bao bì, chiều ngày 14/11/2023 tại TP.HCM, FrieslandCampina cùng Công ty Giấy Đồng Tiến Bình Dương và Công ty Cơ khí xây dựng Trường Thịnh đã tiến đến ký thỏa thuận hợp tác.

Theo ông Richard Kiger, Tổng giám đốc FrieslandCampina Việt Nam, việc hợp tác giữa nhà sản xuất, đơn vị thu gom và đơn vị tái chế bao bì nhằm chủ động thực thi nghị định Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) có hiệu lực từ 1/1/2024.

FrieslandCampina Việt Nam cùng công ty Trường Thịnh và Đồng Tiến ký kết hợp tác chiến lược nâng cao năng lực thu gom và tái chế bao bì.

Theo đó, “ông lớn” hàng đầu ngành sữa này sẽ hỗ trợ các đối tác trong việc thu gom và tái chế bao bì giấy vỏ hộp sữa và giấy carton, với số lượng cụ thể dài hạn hàng năm. Cụ thể, với Trường Thịnh, FrieslandCampina sẽ đầu tư tạo mạng lưới thu gom bao bì giấy vỏ hộp sữa và giấy carton ở các khu dân cư, trường học; thực hiện quy trình phân loại, xử lý rác thải thu gom theo đúng quy định, với mục tiêu nâng cao năng xuất thu gom hàng năm.

Ông Dương Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng Trường Thịnh, chia sẻ “Chúng tôi sẽ xây dựng và duy trì hoạt động thu gom tại các tỉnh, thành phía Nam thông qua mạng lưới hiện có của Trường Thịnh cũng như không ngừng mở rộng các điểm thu gom mới tại các khu công nghiệp, chung cư và các khu vực trọng điểm khác. Đối với vỏ hộp sữa, hộp giấy đã qua sử dụng, nếu được thu gom, xử lý đúng cách sẽ tạo ra một nguồn tài nguyên cho ngành công nghiệp tái chế. Chúng tôi kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ tái chế vỏ hộp giấy tại Việt Nam”.

Về phần mình, Đồng Tiến cũng cam kết tái chế bao bì theo kế hoạch và các thỏa thuận đã ký kết, trên cơ sở đó nâng cao công suất tái chế hiện có của đơn vị. “Chúng tôi đã sẵn sàng về hạ tầng và dây chuyền hiện đại để tái chế bao bì giấy các loại, đặc biệt là bao bì giấy đựng đồ uống, tạo ra các sản phẩm giấy tái chế đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. nĐây chính là sự thể hiện cam kết của các doanh nghiệp từ sản xuất đến thu gom để có nguồn nguyên liệu đầu vào cho tái chế, để chúng ta có thể vừa chung tay giải quyết vấn đề rác thải vừa cùng nhau tạo ra một nguồn tài nguyên mới từ rác”, ông Hoàng Trung Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến Bình Dương nhấn mạnh.

 

Được biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng công cụ Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) như là một quy định bắt buộc, bằng việc thể chế hóa trách nhiệm này của nhà sản xuất/nhập khẩu tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 và được cụ thể hóa trong Nghi định 08/2022/NĐ-CP.

Tuy nhiên, để thực thi thành công quy định này, Việt Nam hiện phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức về năng lực thu gom tái chế, trong đó có thể kể đến như: Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì, rác thải sinh hoạt còn dàn trải, chưa tập trung; Phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại, thiếu chuyên nghiệp; Tỷ trọng rác do lực lượng dân lập “phi chính thức” thu gom vẫn còn rất cao; Tỷ lệ người dân thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa cao.

Đặc biệt, từ thu gom tới tái chế cần một quy trình theo tiêu chuẩn nhưng Việt nam đang thiếu nghiêm trọng cơ sở hạ tầng tái chế đạt tiêu chuẩn EPR, nhất là những nhà máy đủ khả năng tái chế các loại rác thải.

-Vân Nguyễn

Viết một bình luận

Generated by Feedzy