Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn theo dõi sát tình hình sản xuất nông nghiệp và biến động thị trường, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 6/12/2023 về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, bảo đảm nguồn cung thực phẩm Tết, phát triển chăn nuôi bền vững, kiểm soát tốt dịch bệnh vật nuôi.
NGĂN CHẶN HÀNH VI GĂM HÀNG, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương phải thúc đẩy sản xuất chăn nuôi trồng trọt, để bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, phải kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, giảm chi phí, hạ giá thành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Các cơ quan chức năng ở địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ
Thời gian gần đây, dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, làm tăng chi phí, giá thành sản xuất, tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm và giảm nguồn cung trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu ngành Thú y và các địa phương tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo quy định của pháp luật về thú y, chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn thịt.
“Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, thao túng thị trường, đẩy giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi trong nước”.
Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
“Tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu”, Chỉ thị nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo, triển khai lực lượng kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các địa bàn tiếp giáp biên giới. Tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại địa bàn. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.
Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023) để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật, ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.
TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT CỬA KHẨU, ĐƯỜNG MÒN LỐI MỞ
Nhận định cuối năm, đặc biệt cận Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu, nhập lậu gia súc gia cầm có thể diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương và các Bộ/ngành có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.
Chỉ thị 29/CT-TTg nêu rõ thời gian qua, Thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, lợn và các sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Đến nay, tình trạng nhập lậu có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu động vật (gia cầm, lợn và trâu, bò) vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương, gây nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm.
“UBND các cấp thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng để chủ động chỉ đạo các biện pháp phù hợp, tổ chức ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý nghiêm những sai phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi và tiêm vaccine”.
Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y tăng cường công tác kiểm dịch nhập khẩu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nội địa theo quy định pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cũng tại Chỉ thị 29/CT-TTg, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng Thú y, Công an, Thanh tra giao thông xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông… để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông được yêu cầu chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống đài truyền thanh cơ sở tổ chức công tác truyền thông về tác hại của việc nhập lậu, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mất an toàn thực phẩm do nhập lậu vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam. Công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm động vật sản xuất trong nước, nhất là các sản phẩm thịt lợn cũng được chú trọng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố tổ chức tuyên truyền cho nhân dân nhất là người dân ở khu vực biên giới về tác hại của việc nhập lậu, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mất an toàn thực phẩm do vận chuyển trái phép, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.
-Chu Khôi