Trang chủ » BLOG » Vải thiều Bắc Giang đạt chất lượng cao nhất từ trước tới nay

Bắc Giang hiện đã chuẩn bị rất kỹ các điều kiện để đảm bảo an toàn về sức khỏe, an ninh trật tự cho tất cả thương nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Bắc Giang; đồng thời, tập trung nguồn lực sẵn có (vốn tín dụng, đá cây, thùng xốp, phương tiện vận tải…) sẵn sàng đáp ứng các điều kiện theo yêu cầu của đối tác tiêu thụ vải thiều…

Sáng 8/5, Sở Công Thương Bắc Giang phối hợp với Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến với Sở Thương mại và các cơ quan chức năng tỉnh Vân Nam, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc về tiêu thụ vải thiều năm 2024.

Theo thông tin từ tỉnh Bắc Giang, hiện địa phương này đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu, với diện tích khoảng 17.198 ha; trong đó, thị trường Trung Quốc có 130 mã vùng trồng, diện tích 16.217 ha; đã có 39 cơ sở đóng gói quả vải tươi xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của nước bạn Trung Quốc.

Về chất lượng, vải thiều năm 2024 được đánh giá có chất lượng cao nhất từ trước tới nay; dự báo sản lượng năm 2024 đạt 100.000 tấn (trong đó, sản lượng vải sớm khoảng 50.000 tấn, vải chính vụ 50.000 tấn).

Về thị trường, hiện vải thiều Bắc Giang đã đến với các thị trường trên 30 quốc gia, thị trường Trung Quốc được xác định là thị trường truyền thống, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua… Dự kiến tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu khoảng 70.000 tấn (chiếm tỷ lệ 70%).

Bắc Giang hiện đã chuẩn bị rất kỹ các điều kiện để đảm bảo an toàn về sức khỏe, an ninh trật tự cho tất cả thương nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Bắc Giang; đồng thời, tập trung nguồn lực sẵn có (vốn tín dụng, đá cây, thùng xốp, phương tiện vận tải…) sẵn sàng đáp ứng các điều kiện theo yêu cầu của đối tác tiêu thụ vải thiều.

Tuy nhiên, còn gặp một số khó khăn như chi phí logistic cao; việc ùn tắc tại Cửa khẩu Quốc tế Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) và Kim Thành (tỉnh Lào Cai); sản lượng vải thiều được chế biến còn hạn chế; việc phát triển vùng vải thiều gắn với du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng vải thiều lớn nhất cả nước…

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đề nghị các cơ quan chức năng của Trung Quốc hỗ trợ tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại; tạo điều kiện, chia sẻ thông tin về các quy định, chính sách mới về xuất nhập khẩu nói chung và nông sản nói riêng; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, doanh nghiệp đến khảo sát, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều; tăng cường phối hợp thời gian đóng mở cửa khẩu, thông quan hàng hóa.

Đồng thời, đề nghị các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, kết nối các thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản đến Bắc Giang khảo sát, thu mua, tiêu thụ vải thiều; hỗ trợ quảng bá, thông tin vải thiều Bắc Giang đến đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc.

Ông Ô Quốc Quyền, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết vải thiều là một trong những trái cây nhiệt đới được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Có được kết quả đó là không chỉ ở sự nỗ lực của người trồng vải mà ở cả chính quyền Bắc Giang đã quan tâm, đem đến sản phẩm vải thiều chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tỉnh Bắc Giang, các sở, ngành và các cơ quan của Việt Nam để đưa vải thiều Bắc Giang sang thị trường Trung Quốc được kịp thời, thuận lợi.

-Song Hoàng

Viết một bình luận

Generated by Feedzy