Nhiều doanh nghiệp Na Uy đang tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam để phát triển các dự án năng lượng sạch và tái tạo…
Việt Nam đã thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch phát triển Điện 8) và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia (NEMP) thời kỳ 2021-2030. Đây là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp năng lượng Na Uy giới thiệu kinh nghiệm, chuyên môn và công nghệ tới thị trường Việt Nam, khi đây là quốc gia giàu tài nguyên và đi đầu trong phát triển nhiều công nghệ năng lượng sạch.
Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: PA.
Thông tin tại tọa đàm “Chuyển đổi năng lượng: Hợp tác doanh nghiệp Na Uy – Việt Nam”, do Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam phối hợp với Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương), tổ chức ngày 13/9/2023, bà Mette Moglestue, Phó Đại sứ Na Uy, cho biết năm 2020, Na Uy là một trong những quốc gia đầu tiên đệ trình mục tiêu giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris, và đặt mục tiêu mới là giảm ít nhất 55% lượng phát thải vào năm 2030.
Tọa đàm lần này có sự góp mặt của 15 công ty Na Uy. Bên cạnh một số doanh nghiệp Na Uy đã hoạt động nhiều năm ở Việt Nam, như: Equinor, Mainstream, VARD và Scatec… không ít doanh nghiệp khác đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nội địa thông qua những dự án tương lai.
Trước những thách thức của ngành năng lượng, bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), cho hay Quy hoạch điện 8 thúc đẩy chuyển dịch năng lượng công bằng với mục tiêu cụ thể như tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp từ 15 – 20% năm 2030 và khoảng 80 – 85% năm 2050. Cùng với đó, mức thải khí nhà kính khoảng 399 – 449 triệu tấn năm 2030 và khoảng 101 triệu tấn vào năm 2050.
Theo ông Terie Aasland, Bộ trưởng Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy, nhiều doanh nghiệp Na Uy đang đi đầu với những sáng kiến, cải tiến các công nghệ mới để khử carbon trong các ngành công nghiệp và thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, trong đó, bao gồm: các giải pháp về LNG và hydro hay thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).
Các chuyên gia cho rằng giá năng lượng đang tăng cao. Lượng khí thải CO2 toàn cầu vẫn ở mức kỷ lục, bất chấp các giải pháp cấp tập được đưa ra, với dự báo nhiệt độ toàn cầu sẽ gia tăng ở mức 2,2°C vào năm 2100. Theo đó, tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng không (Net Zero), gồm: Lào, Malaysia, Việt Nam vào năm 2050; Indonesia vào năm 2060; Thái Lan vào năm 2065…
Vì vậy, cần phải đẩy mạnh “xanh hóa” ngành điện toàn cầu. Dự kiến, thị phần năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện sẽ đạt mức 83% vào năm 2050, còn Hydro đạt mức 5%. Đây là một phần ba mức cần thiết trong mục tiêu phát thải ròng bằng không.
-Mộc Minh