Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường…
Tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Để không bị loại khỏi cuộc chơi, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường toàn cầu, doanh nghiệp xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng”.
“LUẬT CHƠI” MỚI KHẮT KHE HƠN
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu. Xu hướng này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.
Đơn cử, Liên minh châu Âu (EU) đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như Chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, Thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)…
Ông Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCCC), cho biết EU đã có xu thế chuyển đổi xanh từ năm 2008 nhằm giải quyết những nội dung liên quan tới thị trường mua bán tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính của EU.
Cơ chế CBAM có 2 mục tiêu, đó là giúp các quốc gia trên thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu tốt hơn, đi vào thực chất hơn. Đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh bình đẳng, công bằng của hàng hoá EU và các hàng hoá nhập khẩu vào EU.
Những ngành hàng của Việt Nam chịu tác động của CBAM đó là những ngành tạo ra nhiều khí nhà kính nhất là xi măng, điện, phân bón, sắt thép, nhôm và hoá chất.
Các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia thảo luận tại Diễn đàn.
Theo cơ sở dữ liệu của WITS (công cụ thống kê do Ngân hàng thế giới phát triển) năm 2021, Việt Nam là đối tác thương mại thứ 13 nhập khẩu vào thị trường EU. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu đối với hàng hoá thâm dụng carbon của Việt Nam vào thị trường này chiếm 13,8%. Ông Nam cho biết tỷ trọng này khá lớn trong cơ cấu xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam ra nước ngoài.
Nếu xét theo cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm CBAM của Việt Nam sang EU (trừ các sản phẩm điện Hydrogen) đầu tiên là phân bón từ Việt Nam chỉ chiếm 0,3% thị phần; nhưng sắt thép chiếm tới 16,6% (đứng đầu các đối tác xuất khẩu vào EU); xi măng 0,9%; nhôm 6,8%.
Nếu so sánh cường độ carbon trung bình của các ngành CBAM của Việt Nam với một số nước và khu vực trên thế giới (kgCO2tđ/USD) thì thấy, nhôm đang ở mức thấp hơn Trung Quốc nhưng trên mức trung bình thế giới; xi măng do khai thác nên đứng ở mức cao (8,5) trên mức trung bình của thế giới (5,7); phân bón Việt Nam đang xấp xỉ ngưỡng trung bình thế giới và sắt thép ở mức cao hơn trung bình.
Không chỉ EU, ông Nam cho rằng các thị trường khác trên thế giới cũng đã “rậm rịch” theo hướng CBAM. Như Mỹ có Dự luật S.4335 “Đạo luật Cạnh tranh sạch” được chính thức đệ trình vào ngày 7/6/2022.
Dự luật dự kiến áp dụng bắt đầu từ năm 2024 đối với hàng hoá sơ cấp, và từ năm 2026 đối với cả hàng hoá sơ cấp và thành phẩm. Dự luật có phạm vi bao phủ ngành đầy đủ hơn cơ chế CBAM của EU, áp dụng với 12 ngành hàng, mở rộng sang một số ngành khác như công nghiệp thuỷ tinh, công nghiệp giấy,…
Giá carbon đặt ra là 55 USD (2024) và tăng 5% mỗi năm với điều chỉnh lạm phát. Và áp dụng với tất cả các nước và vùng lãnh thổ, trừ các nền kinh tế kém phát triển nhất.
Vương Quốc Anh và Canada chưa đưa ra dự thảo pháp lý chính thức nào, nhưng các cuộc tham vấn đã được tiến hành giữa các bên liên quan nhằm thảo luận về cơ chế điều chỉnh carbon biên giới…
Trung Quốc và Hàn Quốc đã có các cuộc thảo luận tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết các tác động của cơ chế CBAM, hơn là khả năng thiết lập cơ chế điều chỉnh carbon biên giới…
XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC GIẢM LƯỢNG CARBON
Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm thải carbon, nghiên cứu ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm mạnh nhiệt điện than.
Còn theo ông Nam, nếu chúng ta không chuẩn bị thì sẽ bị động khi xuất khẩu. Do đó, doanh nghiệp cần phải đa đạng hoá các đối tác thương mại, thực hiện đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản và xây dựng chiến lược giảm lượng carbon, tham gia vào các dự án bù đắp carbon, bắt buộc đánh giá mức độ thâm dụng carbon, đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ.
Đặc biệt cần tham gia vào các sáng kiến hợp tác công nghiệp vì phát thải khí nhà kính có đến hàng trăm nghìn sản phẩm trong khi Việt Nam có tới gần 200 nguồn phát thải, mỗi ngành hàng khác nhau nên cần các giải pháp cụ thể cho từng ngành hàng, từng sản phẩm.
Trước các thách thức đặt ra với ngành hàng, ông Lê Văn An, Phó Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam, cho biết bản thân mỗi doanh nghiệp cũng như toàn ngành này đang không ngừng hướng tới công nghệ mới, tận dụng nguồn tài nguyên để thực hiện sản xuất xanh, trong đó có 4 chương trình lớn ngành đang thực hiện.
Thứ nhất: Sử dụng hồ thuỷ lợi để khai thác năng lượng, áp dụng công nghệ mới bước đầu có thể tạo ra 2.000-3.000 MW – lớn hơn công suất nhà máy thuỷ điện Sơn La.
Thứ hai: Làm thuỷ điện tĩnh năng, lợi dụng các cặp hồ chứa thuỷ lợi trên và dưới có sẵn để tạo ra gần 3.000 MW điện.
Thứ ba: Phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, điện mặt trời nhưng trên kênh và trên hồ thuỷ lợi giúp tạo ra hiệu suất cao, chống bốc hơi nước.
Với 3 chương trình trên, tổng công suất sơ bộ các dự án phát triển năng lượng xanh của ngành cơ khí dự tính khoảng 7.000 MW. Hiệp hội đã trình để đưa vào Quy hoạch điện 8.
Thứ tư: Ngành cơ khí còn có chương trình phát triển trồng tre sinh khối trên 15.000 hồ thuỷ lợi trên cả nước cũng như trên quỹ đất đang trồng keo đã hoàn thành nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo. Cũng theo tính toán, mỗi một ha trồng tre thu được 135 tín chỉ carbon mỗi năm.
Là một trong những ngành chịu tác động lớn từ CBAM, ông Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ, trước yêu cầu phát triển bền vững, ngành thép đã cải tiến giảm các tiêu hao năng lượng, giảm bớt phát thải khí nhà kính đối với lò cao.
Định hướng đến năm 2035 các nhà máy lò cao sử dụng công nghệ mới và nghiên cứu áp dụng công nghệ CCS. Đối với công nghệ lò điện, sau khi cải thiện đến năm 2025 sẽ đạt mức độ phát thải tối ưu, đến năm 2035 dần sử dụng năng lượng xanh như điện tái tạo.
Đối với dự án luyện kim mới, ngành thép cố gắng áp dụng công nghệ hydro, làm giảm chi phí, tối ưu hoá sản xuất. Tuy nhiên, ông Thái đề xuất, các cơ quan chức năng, Bộ ngành tiếp tục chủ trì nghiên cứu công nghệ mới nhất như điện phân MOE để đưa công nghệ này vào quá trình sản xuất luyện kim; cũng như có các cơ chế tạo thuận lợi để cho ngành thép thực hiện chủ trương chuyển đổi xanh.
-Vũ Khuê