Trang chủ » BLOG » Đốt chất thải đồng nghĩa với việc đốt đi tài nguyên tái chế cho tương lai

Dù vẫn đối mặt với những thách thức lớn, nhưng nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam đang có những thời cơ thuận lợi để ngành công nghiệp tái chế, xử lý chất thải và ngành công nghiệp môi trường phát triển, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0…

Tại “Hội nghị và Triển lãm về Công nghiệp tái chế, xử lý chất thải và công nghiệp môi trường Việt Nam” do Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước và quốc tế tổ chức tại TP.HCM ( từ ngày 11 – 13/10, Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn – SECC), ông Hồ Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh đến cơ hội của Việt Nam trong tương lai. “Việt Nam đang có những cơ hội quý báu để cùng trao đổi, xây dựng các giải pháp phát triển ngành công nghiêp tái chế, công nghiệp môi trường trong tương lai”.

CÔNG NGHIỆP TÁI CHẾ VẪN GẶP NHIỀU THÁCH THỨC

Thống kê cho thấy, hiện nay yêu cầu của các nhà nhập khẩu một số loại quần áo bắt đầu phải sử dụng các nguyên liệu tái chế; các sản phẩm phải đạt tỷ lệ từ 30 – 60% nguyên liệu tái chế.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Trung Kiên, để sản xuất các nguyên liệu tái chế này ở Việt Nam còn mang tính thủ công, nhỏ lẻ và chất lượng chưa đảm bảo. Việc sản xuất vải từ lá sen, bột ngô, tre, nứa kỹ thuật chưa được hoàn thiện và đẩy giá thành lên cao.  

“Ở Việt Nam chưa có nhà máy nào đủ năng lực sản xuất. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam bắt buộc phải nhập khẩu nguyên liệu tái chế, thân thiện môi trường từ Trung Quốc”, ông Kiên cho biết thêm.

Về nội tại ngành công nghiệp tái chế, ông Kiên cho rằng ngành công nghiệp môi trường của Việt Nam hiện nay còn nhỏ lẻ, công nghệ và hạ tầng chưa đáp ứng để phát triển, sản xuất lớn; mới chỉ tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực; chưa đa dạng và tận dụng hết các nguồn chất thải để làm nguyên liệu tái chế mà các ngành sản xuất đang cần (chất thải từ tre, nứa, vỏ dừa để phục vụ ngành may mặc; chất thải thủy tinh,…);

Về tác động từ bên ngoài, nhiều chính sách của nhà nước vẫn chưa đáp ứng để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường như tiếp cận chính sách hỗ trợ và thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cơ sở xử lý, tái chế chất thải; giá thu gom, vận chuyển, xử lý chưa đáp ứng được chi phí thực tế cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, đặc biệt là dịch vụ công.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chưa quan tâm, hỗ trợ cho việc phân loại, tái chế chất thải; vẫn quan niệm coi chất thải là chất thải phải xử lý nên nhiều địa phương đầu tư các lò đốt để đốt hết chất thải.

“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp mong muốn tái chế chất thải thì phải nằm trong quy hoạch của địa phương; các công ty nghệ tái chế, xử lý ô nhiễm nước ngoài quy mô lớn với công nghệ hiện đại cũng đang mong muốn tiếp cận thị trường tái chế, xử lý chất thải của Việt Nam khiến cho các đơn vị tái chế, xử lý chất thải trong nước cũng có thể mất sân chơi ngay chính tại quê nhà”, ông Kiến nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam, cũng cho rằng sự ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước, sự gia tăng đáng kể của sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Điều này đặt ra một thách thức lớn trong việc xử lý và tái chế tại Việt Nam

“Chúng ta đang đối mặt với việc cần thay đổi, cập nhật liên tục công nghệ xử lý nước, với việc quản lý một lượng lớn chất thải nhựa và tìm cách thu gom, tái chế và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn cũng như quy trình xử lý chất thải rắn”, ông Việt Anh nhấn mạnh.

NHIỀU CƠ HỘI MỚI ĐANG ĐƯỢC MỞ RỘNG

Dù vẫn đối mặt với những thách thức lớn, nhưng các chuyên gia nhận định Việt Nam có nhiều thời cơ để ngành công nghiệp tái chế, xử lý chất thải và ngành công nghiệp môi trường phát triển, góp phần phát triển kinh tế chung của cả nước.

Theo ông Hồ Trung Kiên, từ khi Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và một loạt các chính sách thực hiện được ban hành và có hiệu lực là tiền đề cho phát triển ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường phát triển mạnh mẽ.

Ông Kiên cho biết khi tham gia rất nhiều hội nghị, hội thảo tuyên truyền, hướng dẫn luật Bảo vệ Môi trường, nhiều cán bộ của các tỉnh thường xuyên đặt một câu hỏi: “Liệu có cần phải phân loại chất thải rắn không? tại sao không đem đốt hết đi?”.

Câu trả lời chính là: “Nếu chúng ta đem đốt chất thải thì nghĩa là chúng ta đang đốt hết tài nguyên từ chất thải bởi 80% lượng chất thải mà chúng ta thải bỏ đều có thể tái chế, tái sử dụng; chúng ta đang đốt đi cơ hội để tăng tỷ lệ tái chế cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài; chúng ta đang đốt đi hạn ngạch carbon mà đáng nhẽ chúng ta được hưởng từ việc tái chế, tái sử dụng”, ông Kiên khẳng định.

Hiện nay nhiều tỉnh, thành phố đã thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt kết quả rất đáng khả quan. Đồng thời, việc truyền thông, hướng dẫn, tuyên truyền lâu dài cho người dân và cộng đồng dân cư đang được tích cực đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, hiện đã có các chính sách về trách nhiệm của nhà sản xuất/nhập khẩu (EPR) để đóng góp tài chính cho các cơ sở thu gom, tái chế, xử lý chất thải.

Chính vì vậy trong thời gian qua, nhiều công ty lớn đang hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng trong nước để tăng cường năng lực cho các cơ sở này thu gom, xử lý, tái chế chất thải. hoặc trong thời gian tới, thông qua quỹ EPR để hỗ trợ cho các đơn vị thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải.

Theo đó, đến năm 2024 sẽ vận hành thử nghiệm sàn giao dịch carbon. Các đơn vị hiện đang làm công tác thu gom, xử lý, tái chế chất thải sẽ có thêm nhiều cơ hội và lợi nhuận từ việc cung cấp tín chỉ carbon cho các doanh nghiệp chưa đảm bảo được hạn ngạch carbon.

Ngoài ra, nhiều chính sách khác đã để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường đã được ban hành như: Ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư; ưu đãi về thuế, phí và lệ phí; trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường,…

-Vân Nguyễn

Viết một bình luận

Generated by Feedzy