Trang chủ » BLOG » Hà Nội kích hoạt “Sự kiện không dùng tiền mặt”

Ngày 21/7, lễ kích hoạt “Sự kiện không dùng tiền mặt năm 2022” diễn ra với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực ngân hàng, trung gian thanh toán, thương mại điện tử, bán lẻ, giao nhận… và người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội…

Sự kiện thuộc Chương trình Khuyến mại tập trung của Thành phố và là sự kiện thường niên do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì tổ chức hằng năm, kết hợp triển khai trong các tháng khuyến mại của Thành phố.

NHÂN RỘNG ĐỐI TƯỢNG THANH TOÁN

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, “Sự kiện không dùng tiền mặt năm 2022” sẽ tập trung triển khai đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Tăng cường ứng dụng các công nghệ mới hướng tới thị trường tiêu dùng thông minh, kết nối nhanh hơn giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy việc mua sắm có kế hoạch, có chủ đích và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý.

Sự kiện năm nay với chủ đề “Chạm tới tương lai” nhằm tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của thanh toán không dùng mặt, góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số.

Đặc biệt hướng đến các đối tượng khách hàng tham gia thanh toán, mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các kênh thương mại điện tử, các lĩnh vực dịch vụ khác (thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục…) trên toàn địa bàn Thành phố.

Tại sự kiện, các ngân hàng, các nền tảng thanh toán trung gian, nhà phân phối bán lẻ… đã trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng các thiết bị, công nghệ thanh toán điện tử trong các giao dịch mua bán, từ đó góp phần chuyển đổi mạnh mẽ thói quen sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

“Thông qua các chuỗi hoạt động của sự kiện, ban tổ chức hy vọng sẽ thu hút đông đảo người dân hưởng ứng tham gia, tạo thói quen tiêu dùng không tiền mặt khi giao dịch và mua sắm, tạo thêm động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt“, bà Lan nhấn mạnh.

Đồng thời, đây chính là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Thành phố, giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm.

6 siêu thị Aeon Việt Nam đã ứng dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 45%; các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 65%; website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến đạt 75%…

Tăng lượng khách hàng thanh toán hóa đơn tiền nước trực tuyến lên 98%, 100% khách hàng gọi hỏi đáp qua tổng đài 19004600 và nâng cấp dịch vụ công trực tuyến lên mức 4. Tỉ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt trên 99,7%; tỷ lệ tiếp nhận các dịch vụ điện trực tuyến phấn đấu đạt 100%; tỷ lệ thực hiện các dịch vụ điện theo phương thức điện tử đạt phấn đấu đạt 100%…

CẦN TỔ CHỨC TỐT CÁC DỊCH VỤ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hà Nội cho thấy, tính đến nay tổng số ví điện tử đã kích hoạt là 39,19 triệu ví (tăng 3,68% so với cuối năm 2021). Tổng số lượng giao dịch bằng ví điện tử của các tổ chức được xử lý thành công đạt xấp xỉ 583,84 triệu món với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 271,36 nghìn tỷ đồng.

Đã có gần 70% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng, gần 5,5 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 8 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động; gần 1,77 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở với khoảng 67,2% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, bà Lan đề nghị, các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán, các hệ thống phân phối cần tổ chức tốt các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ tạo điều kiện tối đa cho người tiêu dùng thanh toán các hệ thống, qua các công nghệ tiên tiến… tổ chức các chương trình thiết thực gắn kết giữa mua sắm, thanh toán các dịch vụ với thanh toán không dùng…

Là công ty cung cấp hạ tầng thanh toán quốc gia kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán, bà Phạm Thị Hương Giang, Phụ trách Phát triển kinh doanh Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Napas chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ thanh toán không tiền mặt cho doanh nghiệp và người dân, Napas đã phối hợp các ngân hàng phát hành thẻ chip nội địa theo tiêu chuẩn mới do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Đến nay, thị trường đã có bộ sản phẩm thẻ chip nội địa đầy đủ nhất gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước, thẻ đa ứng dụng. Thời gian qua, Napas đã nỗ lực hỗ trợ các ngân hàng thúc đẩy chuyển đổi thẻ chip cho người dân, đồng thời, mở rộng các tính năng, tiện ích giúp tăng trải nghiệm thanh toán khi tiêu dùng tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, du lịch hay đi xe buýt điện Vinbus tại Hà Nội và HCM…

Bên cạnh các giải pháp công nghệ, Napas đã phối hợp với các ngân hàng, đối tác liên tục triển khai các chương trình ưu đãi, khuyến khích thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân…

Bà Hoàng Huyền Trâm, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội, cho biết trong thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện và các sở, ngành liên quan để đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công, dịch vụ công.

Mặt khác, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch thiết yếu, dịch vụ công như thanh toán tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí…

-Vũ Khuê

Viết một bình luận

Generated by Feedzy