Trang chủ » BLOG » Hiệp định VIFTA: Xung lực thúc đẩy thương mại Việt Nam – Israel tăng trưởng vượt bậc

Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương của VIFTA, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại sẽ là xung lực tích cực để thúc đẩy thương mại hai chiều tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 – 4 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới…

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat tại Việt Nam, từ ngày 14-17/8/2023, ngày 16/8, Bộ Công Thương đã phối hợp với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Kinh tế và giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Israel”.

Trên 150 hiệp hội, công ty, tập đoàn sản xuất, xuất nhập khẩu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam và Israel tham dự diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ vui mừng về những bước phát triển vượt bậc của quan hệ Việt Nam – Israel thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Chặng đường 30 năm quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Israel đã ghi nhận những bước phát triển rất tốt đẹp, tạo đà cho hợp tác kinh tế, thương mại phát triển. Minh chứng rõ nét nhất là việc trao đổi đoàn các cấp, đoàn doanh nghiệp giữa hai nước diễn ra trong thời gian gần đây.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: “Việt Nam và Israel cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư”.

Đặc biệt, mới đây hai bên đã ký kết thành công Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA). Điều này cho thấy hợp tác kinh tế, thương mại luôn là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên, quan trọng và còn nhiều tiềm năng trong tổng thể mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Đây cũng là lời giải thích vì sao quy mô thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel duy trì được đà tăng trưởng tích cực, ngay cả trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu liên tục phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và bất ổn của địa – chính trị – kinh tế thời gian qua.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Israel đạt 785,7 triệu USD, tăng 0,6%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD, tăng 30%; nhập siêu của Việt Nam từ Israel có giá trị 656,5 triệu USD, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á và được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam tại khu vực Tây Á. Cơ cấu mặt hàng của Israel và Việt Nam có sự bổ sung lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp.

Điều này tạo điều kiện để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn là nước nhập siêu từ Israel. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm như điện thoại các loại và linh kiện, thủy hải sản, hạt điều, cà phê, giầy dép, hạt tiêu, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ … Các sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ Israel là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng, phân bón các loại, hàng rau quả…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cũng nhận định, thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu, diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo… đòi hỏi những nền kinh tế mở, hội nhập sâu như Việt Nam và Israel cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư để cùng ứng phó và nâng cao sức chống chịu của mỗi nền kinh tế.

Việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại song phương sau khi Hiệp định VIFTA đi vào hiệu lực sẽ góp phần mang lại những lợi ích và cơ hội to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hai nước có nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương, bởi cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Israel cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ sung cho nhau.

Đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng, củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt đối với những ngành hàng, mặt hàng mà một bên có thế mạnh, bên kia có nhu cầu và ngược lại, như: dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản nhiệt đới, thuỷ hải sản… của Việt Nam hay là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng, phân bón các loại, hàng rau quả … của Israel.

“Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương của Hiệp định VIFTA (nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại) sẽ là xung lực tích cực để thúc đẩy thương mại hai chiều tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 – 4 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới”, ông Diên nhấn mạnh.

Về đầu tư, với thế mạnh về kỹ thuật và công nghệ, Việt Nam hi vọng các doanh nghiệp Israel sẽ nghiên cứu và sớm có các dự án đầu tư mới tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi đầu tư như: điện tử, hóa chất, năng lượng, công nghiệp…, đặc biệt là các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm.

Bởi bên cạnh thị trường trong nước trên 100 triệu dân của Việt Nam, hàng hóa và công nghệ của Israel còn có cơ hội tiếp cận thị trường các nước khu vực ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trong 16 FTA mà Việt Nam là thành viên.

Những thuận lợi và cơ hội đang mở ra trong quan hệ hai nước sẽ là nền tảng rất quan trọng, tạo thêm động lực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong tương lai.

-Vũ Khuê

Viết một bình luận

Generated by Feedzy