Trang chủ » BLOG » Mưa lớn gây ngập lụt và thiệt hại nặng nề tại Thừa Thiên Huế và Quảng Trị

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, mưa lớn từ ngày 13 đến sáng 15/11/2023 đã gây thiệt hại nặng nề: 3 người mất tích tại Quảng Trị; 1.342 nhà bị ngập (Quảng Trị: 1.259; Đà Nẵng: 83); 22 nhà bị tốc mái. Về nông nghiệp: 69 ha cây ăn quả, hoa màu; 1.090 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi…

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết trong 3 ngày 12-14/11/2023, khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa với tổng lượng phổ biến từ 150-250mm; khu vực Trung Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 250-450mm.

Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa đặc biệt lớn với lượng mưa phổ biến từ 500-600mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Hồ nước Kim Sơn (Hà Tĩnh) 476mm; Hương Linh (Quảng Trị) 599mm; Cam Chính (Quảng Trị) 461mm; Thượng Lộ (Thừa Thiên Huế) 829mm; TT Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 702mm; Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế) 743mm; Trung tâm GN-DN 05-06 (Đà Nẵng) 557mm; Phước Năng (Quảng Nam) 460mm; Ba Điền (Quảng Ngãi) 567mm.

THỪA THIÊN HUẾ ĐỐI MẶT VỚI NGẬP, LŨ DÀI NGÀY

Sơ bộ thống kế thiệt hại đến sáng 15/11, đã có ít nhất 3 người mất tích tại Quảng Trị. Về nhà, đã có ít nhất 22 nhà bị tốc mái; 1.342 nhà bị ngập (Quảng Trị: 1.259; Đà Nẵng: 83); riêng tỉnh Thừa Thiên Huế đang thống kê số nhà bị ngập (36 phường, xã của thành phố Huế và các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Vang, Phú Lộc và Nam Đông bị ngập từ 0,3-0,8m).

Thiệt hại về nông nghiệp: 69 ha cây ăn quả, hoa màu (Quảng Trị: 65ha; Đà Nẵng: 04 ha) và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống (Quảng Trị). Về chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản: 1.090 con gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi.

Đối với giao thông, tình trạng tắc đường do ngập cục bộ một số vị trí trên các tuyến Quốc lộ QL1A, QL 49B (Thừa Thiên Huế), Quốc lộ QL 40B (Quảng Nam), Quốc lộ QL 15 (Quảng Bình) và một số tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ tại Quảng Nam (ĐT 609, 611), Quảng Trị (tắc 10 điểm ngầm tràn, cầu tràn ở huyện Đăc Krong).

Các tuyến đường thuộc 36 phường, xã của thành phố Huế; nhiều tuyến đường thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Vang, Phú Lộc và Nam Đông bị ngập (từ 0,3-0,8m), chia cắt giao thông. Sạt lở taluy dương một số vị trí trên đường quốc lộ, tỉnh lộ: QL 9C (100m3), QL 9B, ĐT 558C (Quảng Bình); ĐT 601, QL 14G (TP Đà Nẵng); ĐT 628 (Quảng Ngãi).

 

Tối 14/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức di dời 351 hộ dân (huyện Nam Đông: 151 hộ; huyện Phú Lộc: 146 hộ; TP Huế: 54 hộ.

Thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, lũ ở các sông đang lên nhanh. Sông Hương và sông Bồ hiện đang ở trên mức báo động báo động 3. Do ảnh hưởng của mưa lớn, vào tối 14/11, mực nước tại khu vực Đập Đá đã tràn qua đường, gây ách tắc giao thông. Người dân sinh sống tại một số tuyến thường xuyên bị ngập lụt của thành phố Huế như Bà Triệu, Trường Chinh, Nguyễn Hữu Cảnh… đã di chuyển đồ đạc, xe cộ lên chỗ cao để phòng tránh. 

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Văn phòng Ban chỉ huy Phong chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt kéo dài ở vùng trũng thấp, khu đô thị, sạt lở ven sông Bồ, sông Hương, sông Truồi nhất là tại các huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà, Phú Vang, thị xã Hương Thủy, Hương Thủy, Phú Lộc, Nam Đông và thành phố Huế,

Cũng trong tối 14/11, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế phát đi công văn yêu cầu các trường học trên địa bàn tỉnh cho toàn bộ học sinh nghỉ học ngày 15/11 để ứng phó với mưa lụt đang diễn biến phức tạp.

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, mưa lớn những ngày qua khiến nước trên các sông lên cao.

Tại huyện Cam Lộ, nước lũ trên sông Hiếu lên cao đột ngột, người dân không kịp trở tay khiến 60 con bò, 1.000 con gia cầm bị cuốn trôi. Trung đoàn 19 (Sư đoàn 968) đóng chân trên địa bàn huyện cũng cử hàng trăm chiến sĩ giúp dân khắc phục hậu quả. Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cam Tuyền (xã Cam Tuyền) cử 30 đoàn viên, giáo viên và hàng chục phụ huynh tham gia dọn dẹp, vệ sinh nhà hiệu bộ, phòng học, sân trường bị ngập nước.

Tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, mưa lũ khiến 14 ngầm, cầu tràn bị ngập, một số khu dân cư bị chia cắt cục bộ. Lực lượng chức năng đã triển khai lực lượng canh gác và bố trí barie, biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn bị chia cắt, các điểm nguy cơ sạt lở, khu vực nguy hiểm,… đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Ngoài ra, mưa lớn cũng khiến nhiều đoạn bờ sông, bờ suối trên địa bàn tỉnh tiếp tục bị xói, sạt lở. Một số công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi bị ngập và hư hỏng. Sản xuất nông nghiệp cũng chịu thiệt hại nặng với 65 ha cây ăn quả, rau màu; 50.000 cây giống cây lâm nghiệp, 15.000 cây hoa cúc giống bị ngập úng. Hiện chính quyền các địa phương tỉnh Quảng Trị đang rà soát, thống kê số liệu thiệt hại và tập trung khắc phục hậu quả.

KHẨN TRƯƠNG CHỦ ĐỘNG KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ VỚI MƯA LŨ

Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo từ ngày 15-16/11, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 400mm; khu vực Bình Định đến Khánh Hòa có mưa  từ 100-200mm, có nơi trên 300mm; từ Nam Nghệ An đến Quảng Trị có mưa từ 50-100mm, có nơi trên 200mm. Ngày 17/11, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 80mm.

 

Tính đến ngày 15/11, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế và hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang lên; các sông ở Quảng Ngãi đang xuống; mực nước các sông ở Bình Định, Phú Yên có dao động. Mực nước lúc 6 giờ ngày 15/11: Sông Hương (Thừa Thiên Huế) tại Kim Long 3,99m, trên BĐ3 0,49m;  Sông Bồ (Thừa Thiên Huế) tại Phú Ốc 4,04m, dưới BĐ3 0,46m.

Khoảng đêm 15/11, không khí lạnh tăng cường sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.

Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 14-17 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 11-14 độ, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ.

Ngày và đêm 15/11, ở khu vực Vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 1,5-3,0m; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao 3,0-5,0m; vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và vùng biển phía Bắc của khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 3,0-5,0m.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống  thiên tai đã ban hành công văn số 421/VPTT ngày 14/11/2023 gửi các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Phú Yên đề nghị chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Chỉ đạo các địa phương rà soát phương án ứng phó mưa lũ, sơ tán dân. Cử lực lượng hỗ trợ, điều tiết đảm bảo an toàn giao thông nhất là các khu vực ngập lụt, gây ách tắc giao thông.  Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

-Chương Phượng

Viết một bình luận

Generated by Feedzy