Xuất khẩu nghêu của Việt Nam vào châu Âu trong năm 2022 đã tăng trưởng tới 42% so với năm 2021 và hiện 2/3 khối lượng nghêu nhập khẩu vào châu Âu là có nguồn gốc từ Việt Nam. Dòng nghêu trắng của Việt Nam được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng do có thể chế biến được đa dạng sản phẩm hơn các dòng nghêu khác trên thế giới, và đã được cấp 3 chứng nhận ASC…
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, xuất khẩu nhuyễn thể của Việt Nam mang về gần 150 triệu USD, trong đó riêng xuất khẩu nghêu (ngao) chiếm 70%, đạt 104,5 triệu USD, tăng 7% so với năm 2021.
EU LÀ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU LỚN NHẤT
Việt Nam đã xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang 56 thị trường. EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất chiếm tới 90% giá trị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam.
Trong đó, EU là thị trường lớn nhất, chiếm 66% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam, sau đó đến Hoa Kỳ (chiếm 13%), thứ ba và thứ tư thuộc về Singapore và Nhật Bản.
“Trong năm 2022, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sang thị trường EU tăng mạnh 37%, đạt 87 triệu USD, chủ yếu do xuất khẩu sản phẩm nghêu tăng 42% với 78 triệu USD. Nghêu trở thành loài thủy sản có giá trị xuất khẩu lớn thứ 4 sang thị trường EU”.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Tại EU, xuất khẩu nghêu sang ba thị trường lớn nhất là Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha đều tăng từ 38 – 44%. Xu hướng tiêu dùng các sản phẩm nghêu tại EU đang hướng tới những sản phẩm nghêu thịt, nghêu trắng/nâu hấp nguyên con, sản phẩm giá trị gia tăng chế biến sẵn như nghêu hấp bơ tỏi, nghêu sốt gia vị tomyum…
Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS), cho biết hiện 2/3 khối lượng nghêu nhập khẩu vào châu Âu là có nguồn gốc từ Việt Nam.
“Nghêu Việt Nam, đặc biệt là dòng nghêu trắng Meretrix Lyrata có sức cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới vì chúng ta đã phát triển nuôi được ở hầu hết các tỉnh ven biển và ngày càng nâng cao công nghệ sản xuất. Nghêu trắng Việt Nam có thể chế biến được đa dạng sản phẩm hơn các dòng nghêu khác trên thế giới. Nuôi nghêu nước sâu là cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng diện tích và tăng sản lượng”, ông Lập chia sẻ.
Việt Nam hiện có trên 41.500 ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nhuyển thể hai mảnh vỏ) với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm, trong đó riêng sản lượng nghêu (ngao) đạt 179.000 tấn/năm. Chuỗi giá trị ngành hàng nuôi nhuyển thể đang tạo công văn việc làm cho khoảng 200.000 lao động.
Với tiềm năng đường bờ biển dài trên 3.260 km với nhiều bãi cát và vùng sinh cảnh thuận lợi cho nghêu phát triển và trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia. Nghêu Việt dù đã phát triển từ lâu nhưng vẫn chủ yếu tập trung khai thác các bãi bán nhật triều vì tiện theo dõi và thu hoạch.
Nhu cầu thị trường quốc tế về các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ rất cao. Tuy nhiên, hiện sản lượng thu hoạch nghêu ở nước ta chưa đáp ứng đủ các đơn đặt hàng từ EU. Nguyên nhân do, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm này tại EU chưa nhiều; sản phẩm thiếu đa dạng, và ít giá trị gia tăng; khâu quảng bá, phát triển thương hiệu, thị trường còn hạn chế.
Theo ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, ngành nuôi nghêu hiện nay gặp một số khó khăn như giống tự nhiên chưa đủ, chất lượng giống giảm; đất bãi bồi chưa được giao chính thức, chưa ổn định; mạng lưới tiêu thụ sản phẩm chưa được tổ chức tốt và chưa có hiệu quả; thiếu thông tin thị trường và khả năng xúc tiến thương mại chưa cao. Đồng thời, nghêu là loài ăn lọc nên có những rủi ro nhất định; hiện nay chưa có cơ sở chế biến nghêu tại địa phương…
Để phát triển ngành hàng nghêu trắng ở Trà Vinh theo hướng lâu dài, ông Dũng cho biết tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật sản xuất nghêu giống nhân tạo và ương giống cho các hợp tác xã. Cùng với đó, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo xác định vùng nuôi an toàn. Tăng cường liên kết để hợp tác xã, nông dân có nguồn cung cấp giống và tiêu thụ ổn định, hợp lý.
ASC “GIẤY THÔNG HÀNH” CHO NGHÊU VIỆT
Theo TS Lê Thanh Lựu – Giám đốc ICAFIS, với công nghệ cơ giới hiện tại, thuận tiện cho việc thu hoạch và theo dõi nuôi nghêu nước sâu đã và đang mở ra một diện nuôi lớn cho nghề nghêu Việt Nam.
Từ năm 2018, thực hiện Dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” (SCBV), mô hình nuôi nghêu nước sâu do ICAFIS nghiên cứu đã được thử nghiệm tại Hợp tác xã nghêu Thành Đạt, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, chứng mình nuôi nghêu nước sâu cho tăng trường và phát triển tốt. Sau đó, mô hình này đã được nhân rộng ra nhiều hợp tác xã khác ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Để phát triển ngành nghêu, Dự án SCBV cũng hỗ trợ nông dân trồng nghêu nuôi nghêu theo tiêu chuẩn ASC. Đây là xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động.
“Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 3 vùng nuôi nghêu đạt chứng nhận ASC. Trên thế giới, đến thời điểm này cũng chỉ có 3 vùng nuôi nghêu đó được cấp chứng nhận ASC, chưa có quốc gia nào khác đạt được chứng nhận ASC cho nuôi nghêu”.
Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS).
Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam dần chiến vị trí số 1, số 2 và số 3 trong đạt chứng nhận ASC cho sản phẩm nghêu góp phần đưa nghêu Việt “Nâng tầm thế giới”.
Ngày 15/3/2023, tỉnh Trà Vinh đã đón nhận chứng nhận ASC do Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản ASC (được thành lập bởi Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) và Sáng kiến Thương mại Bền vững Hà Lan (IDH) để cung cấp một chương trình chứng nhận hàng đầu thế giới về ngành nuôi trồng thủy sản) cấp cho nghề nuôi nghêu tỉnh Trà Vinh. Chứng nhận ASC đã được cấp cho 3 HTX nuôi nghêu trên dịa bàn tỉnh Trà Vinh.
Ông Đinh Xuân Lập nhận định, từ năm 2018 đến này ngành nghêu đã trải qua 3 trận bão lớn. Bão 1: Dịch bệnh nghêu năm 2018 -2019 làm nghêu chết hàng loạt dọc các tỉnh ven biển Việt Nam. Bão 2: Covid 19 làm thị trường nghêu rơi vào giai đoạn đóng băng, khó khăn trong thị trường đầu ra. Bão 3: Xung đột Nga – Ukraine làm tỷ giá và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Tuy trải qua 3 cơn bão lớn như vậy nhưng ngành nghêu Việt Nam đã đạt được 3 thành tựu. Một là, “Vươn tầm, phá băng thị trường. Trước năm 2019 xuất khẩu nghêu khoảng 62-63 triệu USD, tổng kết năm 2022 xuất khẩu nghêu đã vượt qua con số 100 triệu USD, tăng 40% so với trước khi dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” (SCBV) triển khai.
Hai là, “Vươn khơi, leo cạn, nuôi nghêu nước sâu”, đưa diện tích nuôi nghêu tăng nhanh. Leo cạn là nuôi nghêu trong ao và có chăm sóc, cho ăn như mô hình Đài Loan. Cùng với đó, nuôi nghêu nước sâu theo mô hình của ICAFIS đã mở rộng diện tích nuôi nghêu tới các vùng biển sâu hơn. Qua khảo sát đánh giá của ICAFIS tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể mở rộng diện tích nuôi mô hình nước sâu khoảng 35.000 ha.
Ba là, thu hẹp khoảng cách giữa người nuôi nghêu và doanh nghiệp xuất khẩu nghêu. Nhiều năm vừa qua, người nuôi nghêu tại Việt Nam thường bị thương lái ép giá với những lý do như nghêu chưa sạch cát. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tốn kinh phí trong làm sạch cát tại nhà máy (chi phí nhân công, chi phí bơm nước, muối…) và cũng khó trong tiếp cận nguồn nghêu sạch từ bãi nuôi/hộ dân.
ICAFIS và dự án SCBV đã mạnh dạn nghiên cứu các mô hình làm sách cát của Hà Lan, Đài Loan và tri thức bản địa để thử nghiệm Mô hình làm sạch cát tại bãi nuôi. Qua thử nghiệm kết quả làm sách cát tới 95%-99% trong thân, mang và vòi nghêu.
Từ kết quả đó các doanh nghiệp Hưng Trường Phát, Lenger Seafood Việt Nam, Công ty Beseaco đã ký kết, đồng hành với các hợp tác nuôi nghêu tại Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu với giá mua tăng thêm 1.000 – 1.500 đồng/kg so với giá nghêu không có chứng nhận ASC.
-Chu Khôi