Trang chủ » BLOG » Phát triển bền vững gắn với bảo tồn sinh thái vùng bờ vở sông Hồng ở Hà Nội

Đa số người dân sinh sống tại khu vực bờ vở sông Hồng thuộc các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Hai Bà Trưng (Hà Nội) mong muốn cải tạo khu vực này thành không gian công cộng như sân chơi, khu tập thể dục thể thao, đường dạo ven sông, khu sinh thái hoặc vườn rừng…

Vấn đề trên đã được các nhà nghiên cứu chia sẻ tại Toạ đàm chuyên đề “Tiếp cận sinh thái và xã hội trong việc thúc đẩy đô thị bền vững và dung hợp: Sự tham gia của các bên liên quan từ kinh nghiệm ở Hà Nội” do Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (VMHNĐS) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức ngày 29/5/2024.

TÌNH TRẠNG Ô NHIỄM NGHIÊM TRỌNG

Những khu đất bỏ hoang ô nhiễm bởi rác thải, nước thải sinh hoạt ven bờ sông Hồng lâu nay thường được người đân gọi là “bờ vở”. Nghiên cứu khảo sát môi trường và sử dụng không gian bờ vở sông Hồng khu vực thuộc phường Phúc Tân và phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm được Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (VMHNĐS), Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội, và GreenHub thực hiện trong thời gian qua với sự hỗ trợ của UNDP tại Việt Nam từ nguồn tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT).

Chia sẻ về kết quả nghiên cứu, ông Lê Quang Bình, điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, cho biết tình hình môi trường khu vực bờ vở sồng Hồng ở Hà Nội đang ở mức ô nhiễm nghiêm trọng với khối lượng lớn chất thải rắn tích tụ chồng chất qua nhiều năm cùng nhiều cống xả nước thải lộ thiên, chưa được xử lý, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của đa số người dân.

Theo kết quả phỏng vấn 308 người dân trên địa bàn khảo sát, có tới 59% cho biết họ bị ảnh hưởng bởi nguồn ô nhiễm đến từ chất thải, 21% bị ảnh hưởng bởi nguồn ô nhiễm từ nước thải và 25% bị ảnh hưởng bởi nguồn ô nhiễm từ khí thải.

Chất thải rắn, chất thải nhựa, và nước thải sinh hoạt không được xử lý cũng là những nguyên nhân chính khiến diện tích xanh lớn ở sát trung tâm thành phố Hà Nội chưa được tận dụng cho sự phát triển bền vững của địa phương.

 

“Khi được hỏi về mong muốn cải tạo không gian bờ vở sông Hồng, đa số mong muốn có sân chơi, khu tập thể dục thể thao, đường dạo ven sông, khu sinh thái hoặc vườn rừng”.

Ông Lê Quang Bình, điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội Đáng Sống.

“Nhiều người sẵn sàng tham gia vào hoạt động cải tạo không gian, vệ sinh môi trường dưới các hình thức khác nhau từ việc tổng vệ sinh môi trường hàng tuần, tham gia truyền thông, đến việc giám sát và báo cáo hành vi gây ô nhiễm môi trường. Mong muốn và sự sẵn sàng tham gia của người dân là cơ sở quan trọng để chính quyền địa phương cùng cộng đồng dân cư đưa ra các giải pháp cải tạo tổng thể khu vực bờ vở sông Hồng nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường của Hà Nội”, Ông Lê Quang Bình chia sẻ.

Người dân tham gia khảo sát cũng cho biết họ sẵn sàng tham gia quản lý môi trường khi khu vực bờ vở được cải tạo. Có tới 76% số người trả lời cho biết họ quan tâm và sẵn sàng tham gia vào hoạt động vệ sinh môi trường dưới các hình thức khác nhau, từ việc tổng vệ sinh môi trường hàng tuần, tham gia truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, đến giám sát và báo cáo hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng không gian công cộng của người dân khu vực bờ vở sông Hồng là rất lớn và đa dạng. Có tới 82% số người trả lời cho rằng không gian công cộng là quan trọng hoặc rất quan trọng đối với cuộc sống của họ. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng công trình công cộng tại khu vực đang rất hạn chế.

BẢO VỆ HỆ SINH THÁI, TẠO KHÔNG GIAN “SỐNG CHẤT”

Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, thành viên của nhóm nghiên cứu nhấn mạnh: “Bờ vở là vùng đất ven sông Hồng được sử dụng như một hành lang thoát lũ, bảo vệ Hà Nội và đang bị ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước nghiêm trọng. Nhưng đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng cho phát triển không gian công cộng sinh thái ven sông nhằm thoả mãn nhu cầu hoạt động của cộng đồng dân cư”.

Tại hội thảo, chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) trình bày về sự đa dạng sinh thái của bờ bãi hai bên sông Hồng đoạn qua địa phận Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bờ bãi và các bãi giữa sông Hồng ở Hà Nội rất “giàu có” về hệ sinh thái động, thực vật. Khu vực này có nhiều thảm thực vật quan trọng: thảm cỏ cao (sậy, lau, cây bụi nguyên bản) là nơi sống, kiếm ăn, làm tổ của các loài chim hoang dã: thảm cây gỗ cao mọc tự nhiên dọc theo các dải đất cao, nơi trú ngụ, kiểm ăn của nhiều loài chim. Tại đây, đã ghi nhận 209 loài thực vật hoang dã.  

Khu vực các bãi bồi và bãi giữa sông Hồng đoạn thuộc Hà Nội nằm ở trung tâm của tuyến di cư của các loài chim Đông Á-Úc Châu. Khảo sát từ năm 2021-2024 trên khu vực bờ bãi và bãi giữa sông Hồng đã ghi nhận 232 loài chim thuộc 15 bộ và 51 họ; chiếm khoảng 1/3 tổng số loài chim có ở Việt Nam. Trong đó ghi nhận lần đầu tiên ở Hà Nội là Sáo đá và Vịt vàng, một số loài hiếm tái ghi nhận gồm Sẻ đồng ngực vàng, hạc đen. Nhiều loài có quần thể lớn, cư ngụ thành tập đoàn như dô nách, diệc xám, cắt Amur.

Tại khu vực này đã phát hiện 7 loài trong Danh lục Đỏ IUCN: Vịt mỏ nhọn (nguy cấp); Sẻ đồng ngực vàng (rất nguy cấp); Bạch anh (nguy cấp); Đại bàng đen (sắp nguy cấp); Đuôi cụt bụng đỏ (sắp nguy cấp); Đớp ruồi mỏ to (sắp bị đe doạ); Thiên đường đuôi đen (Sắp bị đe doạ). Ngoài ra, có 4 loài được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam: Cò nhạn, Vịt mỏ nhọn, Đuôi cụt bụng đỏ, Diều hoa miến điện.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm.

Theo chuyên gia của CCD, nhiều hoạt động đang đe dọa hệ sinh thái ven bờ sông Hồng: khai thác cát; săn, bắn chim vào mùa di cư khu vực ven Sông Hồng.

Chuyên gia khuyến nghị cần thành lập một số khu bảo tồn thiên nhiên ở các bãi giữa sông Hồng ở: Khu vực xã Phú Cường, Ba Vì (1.000ha); các bãi giữa thuộc xã Thạch Đà huyện Mê Linh và Liên Mạc của Bắc Từ Liêm. Các bãi giữa này nên phát triển thành các công viên thiên nhiên-văn hóa gắn với bảo tồn các thảm thực vật và các loài chim. Từ đó, tạo thành vùng du lịch sinh thái, trải nghiệm xanh, trải nghiệm văn hóa – Thể thao gắn với thiên nhiên.

-Chu Khôi

Viết một bình luận

Generated by Feedzy