Trang chủ » BLOG » Quan hệ đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam – Trung Quốc

Trung Quốc là đối tác hàng đầu về đầu tư, thương mại, du lịch của Việt Nam trong nhiều năm qua và hiện nay. Kỳ vọng quan hệ này sẽ có bước phát triển mới trong thời gian tới…

Quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua luôn phát triển theo hướng tích cực, đạt nhiều tiến triển mới. Ngoài tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước liên tục tăng, Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Tuy bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm, thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc vượt 100 tỷ USD. Kể từ đó, trao đổi thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước.

KIM NGẠCH XUẤT, NHẬP KHẨU TĂNG LIÊN TIẾP 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong mấy năm gần đây liên tục tăng lên (hình 1), chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam (năm 2020 chiếm 24,4%, năm 2021: 24,8%) và là tỷ trọng lớn nhất trong các nước và vùng lãnh thổ. Tỷ trọng này chỉ bị giảm nhẹ vào năm 2022 (còn 24%), nhưng đã tăng trở lại với mức cao hơn trong 10 tháng 2023 (đạt 25,1%), khi Trung Quốc thay đổi chiến lược phòng, chống đại dịch Covid-19 và 2 nước chuyển mạnh sang chính ngạch.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc trong mấy năm gần đây tăng lên liên tiếp.

Xuất khẩu sang Trung Quốc lớn thứ 2 trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Trong điều kiện tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng năm 2023 giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, thì xuất khẩu sang Trung Quốc là thị trường duy nhất có mức tăng trên 1 tỷ USD (49,6 tỷ USD so với 47,2 tỷ USD).

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 đạt 17,3%; năm 2021 và 2022 do ảnh hưởng của đại dịch, tỷ trọng này giảm xuống còn 16,6% và 15%, nhưng 10 tháng năm 2023 đã tăng lên (đạt 17%).

Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 sau Mỹ, kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ tiếp tục tăng.

Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có trên 42 mặt hàng, nhóm hàng. Trong 10 tháng năm 2023 có 28 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 10 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (điện thoại và linh kiện: 13,155 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: 11,009 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện: 3,312 tỷ USD; rau quả: 3,185 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: 2,518 tỷ USD; xơ sợi dệt: 1,932 tỷ USD; cao su: 1,682 tỷ USD; giày dép: 1,517 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ: 1,410 tỷ USD; thủy sản: 1,345 tỷ USD).

Chỉ 10 mặt này đã đạt 41,1 tỷ USD, chiếm 82,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Trong 42 mặt hàng chủ yếu, có 29 mặt hàng tăng, 9 mặt hàng tăng khá (trên 100 triệu USD), đặc biệt có 2 mặt hàng tăng trên 1 tỷ USD là rau quả; điện thoại và linh kiện.

Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng khá trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước: 21 mặt hàng chiếm trên 10%, 15 mặt hàng chiếm trên 15%, 12 mặt hàng chiếm trên 20% (hình 3). Tỷ trọng các mặt hàng này cao hơn tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Kim ngạch mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc trong mấy năm qua cũng có xu hướng tăng lên.

Nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các thị trường và ngày một tăng lên. Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2018  chiếm 27,6%, đến năm 2020 và 2021 đã tăng lên mức 32% và 33,1%, năm 2022 giảm nhẹ về mức 32,8% nhưng 10 tháng năm 2023 đã tăng lên, đạt 33,5%.

Những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có trên 44, trong đó có 14 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (cao nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: 18,8 tỷ USD; thứ hai là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: 18,1 tỷ USD; thứ ba là vải: 6,8 tỷ USD…). Chỉ 14 mặt hàng này đã đạt 73,915 tỷ USD, chiếm 82,7% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong các mặt hàng nhập khẩu tương ứng của cả nước, trong đó có 20 mặt hàng chiếm trên 34%, cao nhất là điện thoại điện thoại và linh kiện (87,4%), thứ hai là thủy tinh (67,4%) và thứ ba là nguyên phụ liệu dược phẩm (67,3%)…

Nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu, nên Trung Quốc ở vị thế xuất siêu lớn với Việt Nam. Trung Quốc xuất siêu sang Việt Nam năm 2021 là 54,1 tỷ USD, năm 2022 là tỷ USD, 10 tháng năm 2023 là tỷ USD.

ĐẦU TƯ VÀ DU LỊCH TĂNG TRỞ LẠI 

Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là đối với các dự án quy mô lớn, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, mang lại lợi ích kinh tế và dân sinh.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam đến cuối tháng 11/2023 có 4.203 dự án còn hiệu lực, với 27.224 triệu USD, đứng thứ 3 về số dự án và thứ 6 về số vốn đăng ký. Riêng từ đầu năm nay đến cuối tháng 11 có 632 dự án, với lượng vốn 3.806,5 triệu USD, đứng thứ nhất về số dự án, thứ 2 về lượng vốn đăng ký. Lượng vốn đăng ký bình quân 1 dự án chỉ đạt khoảng 6,5 triệu USD, thấp chỉ bằng một nửa mức bình quân chung về vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (khoảng 12,5 triệu USD).

Về hợp tác du lịch, hai bên đều nỗ lực thúc đẩy hợp tác du lịch sớm phục hồi như trước dịch Covid-19. Khách từ Trung Quốc đến Việt Nam qua mấy năm qua thể hiện ở hình 5. Lượng khách du lịch này chỉ bị giảm sút trong 3 năm đại dịch và hiện đã tăng trở lại trong 11 tháng 2023. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng cao, lấy lại vị trí đứng đầu trong năm tới.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50-2023 phát hành ngày 11-12-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

-Đỗ Văn Huân

Viết một bình luận

Generated by Feedzy