Thông qua nhiều hội chợ, triển lãm, ngành lương thực và thực phẩm tiếp tục tìm mối mở rộng thị trường xuất khẩu khi nguồn nguyên liệu phong phú trong nước là lợi thế…
Các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm như: rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm…
Dù vậy, doanh nghiệp lương thực thực phẩm vẫn còn nhiều thách thức, áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Một thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua sự thay đổi trong cách thức quản trị để hướng tới phát triển bền vững và tích hợp tiêu chuẩn ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) vào chiến lược kinh doanh.
Để tiếp tục hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay, “Triển lãm quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP.HCM lần thứ 3 năm 2024” (HCMC FOODEX 2024) đã khai mạc vào ngày 15/5/2024, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), với sự tham gia của gần 400 doanh nghiệp, kỳ vọng thu hút 18.000 lượt khách đến làm việc và tham quan.
Lãnh đạo TP.HCM và các đại biểu tham quan các gian trưng bày tại triển lãm. Ảnh: PA.
Hơn 500 gian hàng thuộc nhóm sản phẩm lương thực thực phẩm dạng thô, sơ chế như nông sản, thủy hải sản, gia vị…. hay sản phẩm chế biến như cà phê, trà sữa, bột làm bánh, thực phẩm chế biến… nhiều gian hàng cho dùng thử miễn phí hoặc khuyến mãi, giảm giá… nhằm kích cầu và giới thiệu sản phẩm mới tới nhà mua hàng cũng như người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết kinh tế thành phố những tháng đầu năm 2024 tiếp đà phục hồi. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của thành phố ước đạt 15,05 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố vẫn còn nhiều thách thức.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố đã cam kết đồng hành, triển khai nhiều giải pháp thiết thực và quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối nguồn vốn hỗ trợ….
Theo ông Dũng, TP.HCM nhận thức rõ rằng để góp phần phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững, cần phải tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển lớn mạnh bằng cách tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao và có tính cạnh tranh.
Thành phố cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
“Triển lãm này là hoạt động thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần giới thiệu tổng thể sự phát triển năng động của ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM”, ông Dũng nói.
Khách nước ngoài tìm hiểu sản phẩm dừa chế biến Việt Nam. Ảnh: PA.
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc ITPC, cho biết đơn vị phấn đấu đưa triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP.HCM trở thành điểm đến lý tưởng cho các địa phương, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy ngành lương thực thực phẩm TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.
Đặc biệt, điểm nhấn của chương trình là cuộc thi nấu ăn chủ đề “Hồn Việt trong ẩm thực đương đại” do Ban tổ chức HCMC FOODEX 2024 phối hợp với Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn thực hiện kỳ vọng sẽ giới thiệu ẩm thực tinh túy, đặc sắc của Việt Nam đến khách tham quan trong và ngoài nước. Yêu cầu các đội thi sử dụng nguyên liệu nông sản Việt Nam để chế biến các món ăn đương đại.
“Chương trình mong muốn kết hợp quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản của Việt Nam thông qua văn hóa và ẩm thực, tạo ra một hướng đi đem lại hiệu quả và ấn tượng mạnh tới khách tham quan”, ông Đào Minh Chánh cho hay.
-Mộc Minh