Trang chủ » BLOG » Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo người dân thận trọng với kinh doanh đa cấp không phép

Một số cá nhân, tổ chức thực hiện kêu gọi đầu tư, kinh doanh mua bán hàng hóa có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận hợp pháp tại Việt Nam có tên RF3WORLD thông qua các website như: www.Rf3worldvietnam.com, www.Rf3vietnam.com, hay www.Firmax3vn.com.vn…

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia vừa đưa ra cảnh báo hoạt động có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến RF3WORLD.

Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, qua rà soát thời gian gần đây cho thấy, một số cá nhân, tổ chức thực hiện kêu gọi đầu tư, kinh doanh mua bán hàng hóa có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận hợp pháp tại Việt Nam có tên RF3WORLD thông qua các website như: www.Rf3worldvietnam.com, www.Rf3vietnam.com, hay www.Firmax3vn.com.vn.

Theo ghi nhận, có dấu hiệu cho thấy các đối tượng liên quan còn tổ chức các chương trình trực tuyến nhằm giới thiệu, mời gọi thêm các thành viên khác với mục đích phát triển hệ thống để được hưởng hoa hồng, lợi ích kinh tế theo mô hình đa cấp.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, tổ chức nào có tên RF3WORLD nêu trên theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023).

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết các tổ chức cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).

Do đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cảnh báo người dân không tham gia vào các hoạt động có dấu hiệu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép nêu trên để hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về vật chất và pháp lý.

Được biết, năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiến hành thanh kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp. Theo đó, đơn vị này sẽ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 6 doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo đó, Ủy ban sẽ thực hiện kiểm tra đối với 2 doanh nghiệp là Công ty CP Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Vinalink), địa chỉ trụ sở chính: Lô C16/D21 khu đô thị mới Cầu Giấy, phố Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Và Công ty TNHH Oriflame Việt Nam, địa chỉ trụ sở chính: Số 100-102 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 8, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.

Đồng thời, thanh tra đối với 4 doanh nghiệp khác bao gồm: Công ty TNHH Seacret, địa chỉ trụ sở chính: Tầng 4, tòa nhà số 227B, Cách Mạng Tháng Tám, Phường 12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh; Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam, địa chỉ trụ sở chính: Số 89, đường Xuân Hồng, phường 12, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh; Công ty TNHH Kyowon The Orm Việt Nam, địa chỉ trụ sở chính: số 38/1 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 15, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh; Công ty TNHH Gcoop Việt Nam, địa chỉ trụ sở chính: B17-17 Vinhomes Gardenia, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo trường hợp có thông tin phản ánh hoặc có vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp nêu trên, đề nghị người dân cung cấp cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để xem xét, làm rõ trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Theo thống kê của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, tính đến thời điểm hiện tại cả nước có 20 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp. Năm 2022, đã có 2 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam là Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế và Công ty TNHH Homeway Việt Nam.

Hai doanh nghiệp này đều bị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp do phát hiện các vi phạm nghiêm trọng trong chấp hành pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

-Song Hoàng

Viết một bình luận

Generated by Feedzy