Bão số 3 (Yagi) đã trở thành “cơn ác mộng” đối với ngành nông nghiệp. Hàng trăm nghìn ha cây trồng bị ngập, hàng triệu con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, hàng nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị xóa sổ… Nhiệm vụ khôi phục sản xuất sau bão vô cùng nặng nề và đầy khó khăn…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 và mưa lớn sau bão đã khiến 200.721 ha lúa bị ngập úng; 50.642 ha hoa màu bị ngập úng; 61.072 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 26.485 con gia súc, 2.936.840 con gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra ước tính lên tới 50.000 tỷ đồng.
TRANG TRẠI, TIỀN CỦA CUỐN THEO NƯỚC
Trên địa bàn xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, lợn chết nằm la liệt trên cánh đồng, đường làng và bờ sông. Chị Trần Thị Vinh, chủ trang trại chăn nuôi của Công ty Hòa Bình Minh ở xã Tuy Lộc, cho biết lũ dữ ập đến ngoài sức tưởng tượng. Trước bão trang trại có hơn 5.000 con lợn từ 60 kg đến 120 kg, chỉ chờ 1-2 tháng nữa là xuất chuồng. Thế nhưng lũ quét tràn qua, tất cả bị cuốn trôi hết, hiện chỉ còn lại 50 con lợn. Khu chăn nuôi bị xóa sổ, không chỉ khiến 25 tỷ đồng tiền đầu tư chăn nuôi trôi theo nước, mà hàng chục công nhân ở đây cũng lâm vào cảnh thất nghiệp.
“Cả tuần nay, tôi bàng hoàng và loay hoay chưa biết phải bắt đầu lại từ đâu. Quanh đây, nhà dân nào cũng bị thiệt hại, nên tôi không dám đòi hỏi gì, chỉ mong Nhà nước hỗ trợ được chút nào hay chút ấy, để trang trại khôi phục lại”.
Chị Trần Thị Vinh, chủ trang trại chăn nuôi của Công ty Hòa Bình Minh, Yên Bái.
Theo ông Vũ Kim Việt, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc, trang trại của Công ty Hòa Bình Minh khó có thể khắc phục với số lượng đầu đàn trên 5.000 con. Hiện tại chính quyền xã đã lên phương án dọn vệ sinh thu gom lợn chết trên đường làng, bờ mương và cánh đồng, để đảm bảo không phát sinh dịch bệnh.
Tại huyện Đông Anh, Hà Nội, chỉ sau một đêm nước dâng, hàng trăm nghìn con gà đẻ trứng của hộ gia đình ông Hoàng Ngọc Đoàn (khu Bãi Già, xã Tàm Xá) đã bị cuốn trôi sạch. “Do nuôi gà ở khu vực bãi cách sông Hồng khoảng 2km nên khi nước lên, trang trại bị ngập hết, gia đình tôi trở tay không kịp. Chỉ sau một trận lũ, toàn bộ số gà đang trong độ đẻ trứng và xuất chuồng phần lớn chết sạch, kéo theo bao tâm huyết, tiền bạc của gia đình đổ sông đổ bể”, ông Đoàn cho biết.
Rất nhiều gia súc, gia cầm của người dân bị nước lũ cuốn trôi
Trước khi bão số 3 đến, trang trại của ông Đoàn có 150 nghìn con gà đẻ, cho sản lượng trứng bình quân 70.000 – 75.000 quả/ngày, mỗi ngày thu về khoảng hơn 100 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Theo tính toán của ông Đoàn, chỉ riêng số lượng gà bị chết do bão lũ, gia đình ông thiệt hại khoảng 11 tỷ đồng. Nếu tính cả tiền thức ăn với khoảng 140 tấn cám bị mốc, trang thiết bị điện bị ngập nước… thiệt hại lên tới 14 tỷ đồng. “Tích cóp bao nhiêu năm, toàn bộ của cải giờ mất hết, tôi rơi vào cảnh trắng tay, ôm nợ ngân hàng. Hiện tại gia đình tôi phải trả lãi ngân hàng hơn 200 triệu một tháng”, ông Đoàn buồn rầu cho biết.
Được biết, sau khi nước rút hết, chính quyền địa phương đã đến khảo sát thiệt hại, huy động máy xúc, hàng chục nhân lực giúp gia đình tiêu hủy số lượng gà bị chết. Toàn bộ số gà bị chết đã được chôn cất, xử lý theo đúng quy trình tránh gây ô nhiễm đến môi trường xung quanh.
“CƠN ÁC MỘNG” CỦA NGƯỜI NUÔI BIỂN
Cơn bão số 3 đi qua đã trở thành “cơn ác mộng” đối với những người nuôi hải sản trên biển ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Bão Yagi đã khiến cả một vùng Bái Tử Long rộng mênh mông giờ đây chỉ còn lại màu trắng xóa. Mấy nghìn lồng bè, cơ sở nuôi hàu, nuôi cá đã biến mất. Xác lồng bè, nhà nổi phao nhựa số cuốn lại với nhau dạt vào trong vùng lõm của vịnh Hạ Long, số khác bị sóng gió quật lên vách núi.
Ông Ngô Nam Trung, Giám đốc Hợp tác xã Trung Nam, một người tiên phong nuôi biển ở Vân Đồn, chia sẻ: “Nhiều người muốn khóc cũng không thể nào khóc được. Tất cả thành quả của hợp tác xã Trung Nam và các hợp tác xã khác như Phất Cờ, Kiên Cường, Thắng Lợi đều trôi đi sạch, không còn lại gì. Riêng gia đình tôi ước tính bị thiệt hại hơn 7 tỷ đồng”, ông Trung tâm sự; đồng thời, ông Trung cho biết bà con trong Hợp tác xã Trung Nam vừa mới đầu tư số tiền lớn để chuyển từ phao xốp sang phao nhựa HDPE để cố định lồng bè, nhà nào cũng tiền tỷ, dồn hết vốn liếng, sổ đỏ vay mượn ngân hàng để đầu tư xuống biển, bây giờ tan theo bão lũ.
“Nhiều người muốn khóc cũng không thể nào khóc được. Tất cả thành quả của hợp tác xã Trung Nam và các hợp tác xã khác như Phất Cờ, Kiên Cường, Thắng Lợi đều trôi đi sạch, không còn lại gì. Riêng gia đình tôi ước tính bị thiệt hại hơn 7 tỷ đồng”.
Ông Ngô Nam Trung, Giám đốc Hợp tác xã Trung Nam.
Tại đảo Thắng Lợi, một trong những hộ thiệt hại nặng nhất là nhà ông Nguyễn Văn Thành. Trước bão, nhà ông Thành nuôi 2 vạn lồng thưng, sần, 200 dây hàu, 20 ô cá chim, cá giò, cá song. Ông cũng tham gia hợp tác xã Thắng Lợi nuôi trồng thủy sản của đảo – đây cũng là khu vực nuôi trong vòng 6 hải lý thuộc cấp tỉnh quản lý. Bão tan, ông Thành rơm rớm nước mắt nói: “Khu lồng bè tan hoang hết, không còn gì. Thiệt hại của gia đình tôi ước tính 12 tỷ đồng”.
Theo thống kê của thị trấn Cái Rồng, cơn bão số 3 đã cuốn trôi 71 lồng bè, 30 hộ nuôi hàu mất trắng, 9 con tàu đúc bằng xi măng của dân nuôi biển cũng không trụ nổi, bị đánh đắm. Còn tính chung cả huyện Vân Đồn, thống kê sơ bộ có 1.340 hộ nuôi hàu, thưng, sần, ngao, tu hài, ốc và cá song, cá giò, cá chim bị thiệt hại nặng nề.
Thống kê về thiệt hại, bà Trương Thị Thúy Huyền, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vân Đồn, cho biết hơn 32,11 nghìn tấn sản lượng thủy sản của huyện Vân Đồn bị thiệt hại. Trong đó, người nuôi hàu mất hơn 25,637 nghìn tấn, nuôi cá mất 636 tấn, thủy hải sản khác hơn 5,48 nghìn tấn. Bão số 3 khiến nghề nuôi biển của Vân Đồn gần như bị xóa sổ. Ước tính thiệt hại lên đến trên 2,28 nghìn tỷ đồng.
HƠN 300.000 HA LÚA VÀ HOA MÀU BỊ NGẬP CHÌM
Tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội… rất nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng, trong đó nhiều diện tích mất trắng, không thể hồi phục do ảnh hưởng của bão số 3. Gia đình ông Vũ Tiến Thẩm, xã Đông Xuân (Đông Hưng) có 40 mẫu lúa đang ở giai đoạn làm đòng đến trổ bông bị mưa, lũ nhấn chìm trong nước. Đến ngày 15/9/2024, mực nước trên đồng đã giảm đáng kể, tuy nhiên tại cánh đồng Cửa Chùa – vùng trũng của xã, nước vẫn còn ngập quá đòng. Ước tính khoảng 30% diện tích lúa mất trắng. “Nhiều năm rồi, tôi mới chứng kiến trận bão, lũ lớn như vậy. Thiên tai ập đến khi cây lúa đang ở giai đoạn mẫn cảm, biết là sẽ thiệt hại nhưng không nghĩ lại nặng nề vậy”, ông Thẩm buồn rầu cho biết.
Đã 7 ngày ngập trong biển nước, mảnh ruộng 8 sào vùng cánh đồng Cửa Chùa của gia đình ông Vũ Văn Giang gần như thiệt hại hoàn toàn, lúa úa vàng, đòng cũng đang có dấu hiệu thối. Níu kéo hy vọng, ông Giang vẫn đi mua thuốc bảo vệ thực vật phun phòng sâu bệnh hại theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. “Vụ mùa năm nay với nông dân thật khó khăn, càng gieo cấy nhiều càng mất mát lớn. Đầu vụ mưa lớn, mảnh ruộng này tôi phải cấy lại 3 lần, giờ lúa chuẩn bị trổ thì gặp mưa, úng. Tôi cố gắng chăm sóc, phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, vớt vát được bông nào hay bông ấy”, ông Giang chia sẻ.
Hàng trăm nghìn ha lúa bị thiệt hại
Từ ngày 6 – 14/9/2024, lượng mưa đo được trên địa bàn huyện Tiền Hải có nơi lên đến gần 600mm. Mưa lớn kèm nước lũ dâng cao, công tác tiêu thoát nước ở huyện cuối nguồn gặp nhiều khó khăn khiến hàng nghìn ha lúa mùa bị ngập, trong đó khoảng 1.000ha lúa thiệt hại 70%. Còn tại huyện Quỳnh Phụ, thiên tai cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.
“Ước toàn huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có khoảng 4.500 ha lúa mùa thiệt hại năng suất từ 20 – 30%, 500 ha thiệt hại trên 50%. Cây màu hè thu bị thiệt hại 1.500ha. Huyện đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả, đồng thời thống kê, rà soát diện tích bị thiệt hại chính xác để đề xuất hỗ trợ theo quy định hiện hành, giúp người dân kịp thời khôi phục sản xuất”.
Ông Đỗ Tiến Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh có khoảng 11.000 ha lúa mùa bị ảnh hưởng của bão số 3. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tiêu úng, nên đến nay diện tích thiệt hại trên 30% giảm còn khoảng 6.000 ha; 585 ha rau màu chưa thu hoạch và mới trồng bị ảnh hưởng 30 – 70%, 2.760 ha bị ảnh hưởng trên 70%; 1.215 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng 30 – 70%, 170 ha bị ảnh hưởng trên 70%.
Bên cạnh đó, một số chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái, đổ tường, rách vỡ bể biogas; một số lồng nuôi cá trên sông Hồng thuộc địa bàn huyện Hưng Hà bị lật và cuốn trôi (khoảng 60 tấn cá lăng, chép, diêu hồng, trắm…). Ước tính ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình thiệt hại khoảng 350 tỷ đồng.
Báo cáo thống kê của UBND tỉnh Nam Định cho thấy tổng giá trị thiệt hại do bão số 3, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh ước gần 564 tỷ đồng. Trong đó, nặng nhất là về nông nghiệp với 18.102 ha lúa bị ảnh hưởng, ước giá trị thiệt hại là 381,5 tỷ đồng; 3.800 ha rau màu bị thiệt hại ước giá trị là 105,75 tỷ đồng; 2.145 cây hoa, cây cảnh các loại thiệt hại ước giá trị 1 tỷ 136,5 triệu đồng…
DỐC SỨC KHÔI PHỤC SẢN XUẤT
Chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, ngày 15/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng…; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân…
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tích cực, chủ động tổ chức thực hiện đúng, trúng, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn nói trên; đồng thời kêu gọi với “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn”, phát huy tinh thần trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; “Ai có của giúp của, ai có công giúp công, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều, tất cả vì nhân dân, vì đất nước”, chung sức, đồng lòng khắc phục hậu quả bão số 3, ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2024 phát hành ngày 23/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
-Chu Khôi