Công tác xúc tiến thương mại được xác định là sợi dây liên kết các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng trong tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, công tác này cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm của khu vực quan trọng này…
Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.
Đây là vùng có nền kinh tế phát triển năng động, không gian thị trường rộng lớn; đồng thời cũng là vùng đi đầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kết cấu hạ tầng vùng đã được đầu tư phát triển mạnh.
DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC VỀ THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Trong giai đoạn vừa qua, vùng đồng bằng sông Hồng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh. Riêng trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế (sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Cửu Long).
Hoạt động xuất nhập khẩu của vùng đồng bằng sông Hồng những năm qua luôn chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu xuất nhập khẩu chung của cả nước. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, giảm gần 12,25 tỷ USD so với năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt trên 126,94 tỷ USD, giảm trên 2,98 tỷ USD so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 133,94 tỷ USD, giảm gần 9,26 tỷ USD so với năm 2022. Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Hưng Yên…
Thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước, ước đạt 17,382 tỷ USD, trong đó 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế GRDP của vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó, công nghiệp – xây dựng, dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng kinh tế của toàn vùng.
Tuy nhiên, tại “Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng” mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết.
Cụ thể như kinh tế vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng. Các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động.
Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế tổng thể có kết quả, nhưng còn chậm. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành (xét đến ngành cấp III và các ngành sản phẩm cụ thể) còn chưa mạnh và rõ nét.
Chưa hình thành được những chuỗi giá trị (chưa tạo lập được các chuỗi sản xuất) và các cụm liên kết ngành (các cluster); chưa có những đột phá về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại tự do. Vùng cũng chưa hình thành các cụm liên kết ngành, các vùng sản xuất nông sản tập trung.
KHÓ KHĂN LIÊN KẾT CHUỖI, VÙNG
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đánh giá mặc dù có kim ngạch lớn, nhưng hoạt động xuất khẩu của vùng đồng bằng sông Hồng phát triển chưa đồng đều ở các tỉnh, thành phố trong vùng. Tính riêng năm 2023, Bắc Ninh, Hải Phòng và Hà Nội chiếm 65,2% kim ngạch xuất khẩu.
Bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương, nhận xét, trong quá trình triển khai hoạt động liên kết vùng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản tại một số địa phương, vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, vai trò của các bên tham gia liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế; vẫn còn một số hợp tác xã chưa mạnh dạn tham gia tiêu thụ nông sản; chưa phát huy được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế.
Bên cạnh đó, việc sản xuất nông sản theo hướng kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa phù hợp với thị trường vẫn còn một số bất cập. Liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán.
Tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ còn chậm. Việc tiêu thụ còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Khó khăn cố hữu là do kinh tế – xã hội tại các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Cơ chế, chính sách phát triển liên kết các vùng còn chưa đồng bộ, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng.
Hơn nữa, sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng vẫn còn mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Hầu hết tập trung ở các dự án hạ tầng giao thông; các hoạt động liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của các địa phương còn chưa được triển khai sâu rộng, dẫn tới sự hạn chế giữa vùng nguyên liệu và vùng sản xuất, tiêu thụ.
Ngoài ra, hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương được triển khai nhưng chưa mạnh; chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng. Không gian và địa bàn hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vùng còn mang tính tự phát…
TẠO BƯỚC CHUYỂN BIẾN ĐỘT PHÁ
Nhằm tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, để tăng tính liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến thương mại, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng thương mại để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại.
Bộ Tài chính cần sớm xây dựng thông tư hướng dẫn địa phương về nguồn kinh phí thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, định mức chi, khoản chi, mục chi cụ thể để các địa phương có định hướng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng chỉ đạo Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại nghiên cứu, chủ động kết hợp, lồng ghép các hoạt động của địa phương với các bộ, ngành, địa phương trong vùng và liên vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tham gia hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, cấp quốc gia.
“Mục tiêu là vừa tránh chồng chéo, dàn trải, vừa phát huy được hiệu quả hỗ trợ xúc tiến thương mại tới nhiều hơn các doanh nghiệp, sản phẩm của vùng. Đồng thời, dần hình thành và củng cố cơ chế hợp tác, liên kết cùng có lợi trong mạng lưới các tổ chức xúc tiến thương mại nói chung”, ông Phú nhấn mạnh.
Đại diện Sở Công Thương Hải Dương kiến nghị, về tầm vĩ mô, cần tăng cường liên kết vùng và tích hợp kết nối chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp, nông nghiệp vào quá trình xây dựng và thực thi quy hoạch phát triển địa phương, vùng và quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho sự chuyên môn hóa địa phương và hợp tác liên vùng trên cả nước.
Mặt khác, cần thắt chặt liên kết “bốn nhà”, trong đó có mô hình liên kết hợp tác nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế từng địa phương, vùng miền.
“Cần quan tâm đầu tư hạ tầng sản xuất và khâu tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã nói riêng và các đơn vị sản xuất kinh doanh nông nghiệp nói chung. Xây dựng vùng nguyên liệu theo nhu cầu thị trường, các điều kiện lợi thế tự nhiên để hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn được ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao”, bà Phượng kiến nghị.
Đồng thời, bà nhấn mạnh cần phải đồng bộ việc liên kết vùng với cơ chế chính sách, từ đó huy động và phát huy được mọi nguồn lực để sản xuất hiệu quả, bền vững, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương trong vùng
-Song Hà