Đào tạo, xây dựng năng lực cho các bên liên quan về kiến thức phát triển, thực hiện mua bán trao đổi hạn ngạch như một công cụ chính sách hiệu quả về mặt tài chính… là cần thiết trước khi sàn giao dịch tín chỉ carbon được chính thức vận hành vào năm 2028…
Ngày 14/9, tại Hà Nội, Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP), Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) và Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp tổ chức hội thảo khởi động hỗ trợ kỹ thuật “Đào tạo và mô phỏng Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) tại Việt Nam”.
TRIỂN KHAI THỊ TRƯỜNG CARBON THEO 2 GIAI ĐOẠN
Là một bên tham gia Thỏa thuận Paris, Việt Nam đã cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với mục tiêu giảm 15,8% (đóng góp không điều kiện) và 43,5% (đóng góp có điều kiện) vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường.
Dựa trên mục tiêu quốc gia này, các mục tiêu và biện pháp giảm phát thải khí nhà kính cụ thể được xây dựng cho 5 ngành chính gồm: năng lượng; nông nghiệp; sử dụng đất và lâm nghiệp; các quy trình công nghiệp; chất thải. Tương ứng, các doanh nghiệp phát thải lớn trong 5 ngành này sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.
Nhằm giúp các doanh nghiệp đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính một cách linh hoạt, với chi phí thấp, bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Chính phủ đã quy định việc thiết lập thị trường carbon trong nước hay hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn.
Việt Nam đã xác định áp dụng các công cụ định giá carbon, cụ thể hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (hay thị trường carbon nội địa) nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Lộ trình triển khai thị trường carbon được quy định rõ tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP theo 2 giai đoạn.
Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan cần: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
Giai đoạn từ năm 2028: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Đối tượng tham gia thị trường carbon trong nước, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu, Cục Biến Đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thông tin là các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Là các tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra là các tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon.
“MÔ PHỎNG” TRƯỚC KHI VẬN HÀNH THỰC TẾ ETS
Tuy nhiên, theo Cục Biến đổi Khí hậu, việc thiết lập thành công, quản lý và vận hành hiệu quả ETS ở Việt Nam cần có các sáng kiến và đa dạng hoạt động tăng cường năng lực ở các quy mô khác nhau nhằm nâng cao hiểu biết về ETS cho các bên liên quan, bao gồm cả các nhà hoạch định chính sách.
Cần đào tạo và xây dựng năng lực cho các bên liên quan về kiến thức trong việc phát triển và thực hiện mua bán trao đổi hạn ngạch như một công cụ chính sách hiệu quả về mặt tài chính nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Có nhiều hình thức đào tạo và nâng cao năng lực khác nhau để cung cấp kiến thức toàn diện, chuyên sâu về thiết kế và triển khai ETS cho người tham gia. Trong số các hình thức này, phần mềm mô phỏng là công cụ hữu ích hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp chuẩn bị cho việc giao dịch phát thải ở các quốc gia mới triển khai ETS như Việt Nam.
Các khóa đào tạo trong hoạt động hỗ trợ kỹ thuật này sẽ sử dụng công cụ mô phỏng thị trường carbon được điều chỉnh riêng phù hợp cho bối cảnh của Việt Nam. Đồng thời, trang web về ETS cũng sẽ được xây dựng để cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức và sự sẵn sàng của các bên liên quan về ETS.
Ngoài ra, hỗ trợ kỹ thuật này sẽ tổng hợp các khuyến nghị chính sách cho việc thiết kế và triển khai ETS ở Việt Nam dựa trên việc phân tích các bài học kinh nghiệm và tác động của ETS đối với quá trình chuyển dịch năng lượng.
CarbonSim được đánh giá là công cụ mô phỏng thị trường carbon hiệu quả. Theo ông Joshua Margolis, Chuyên gia Mô phỏng thị trường carbon, đây là một ứng dụng phần mềm được tăng cường trí tuệ nhân tạo, đa ngôn ngữ, dạy các nguyên tắc kinh doanh khí thải và đưa thị trường vào cuộc sống.
Phần mềm mô phỏng sẽ giúp cải thiện hiểu biết của các bên liên quan đến hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải; nâng cao năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, giảm sự bất đồng của các bên liên quan; tạo điều kiện thí điểm các lựa chọn xây dưng hệ thống; giảm thời gian chuẩn bị để vận hành hệ thống ETS.
Song ông Joshua Margolis lưu ý, mô phỏng chỉ là mô hình đơn giản, có thể chưa hoàn toàn giống hệt thị trường ETS trong thực tế. Chỉ là trò chơi để thử nghiệm nhưng khi vào thực tế thì không còn là trò chơi mà có rất nhiều thách thức đòi hỏi doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ để sẵn sàng thí điểm ETS vào năm 2025 theo kế hoạch của Chính phủ đặt ra.
-Vũ Khuê