Khu công nghiệp sinh thái thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua duy trì sử dụng nguyên liệu và tài nguyên ở cấp độ khu công nghiệp bằng cách khuyến khích các công ty thành viên tạo ra mạng lưới cộng sinh công nghiệp…
Khu công nghiệp sinh thái được đề cập nhiều trong các văn bản pháp lý hiện hành của Việt Nam, như Nghị định 35/2022/NĐ-CP, trong đó nêu ra các tiêu chí thành lập, chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái.
Ngoài ra, khu công nghiệp sinh thái được đề cập nhiều đến các văn bản về chiến lược phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong dự thảo chiến lược kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
3 CHIẾN LƯỢC KINH DOANH DIỆN RỘNG CHO NỀN KINH TẾ TUẦN HOÀN
Bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia Kỹ thuật Quốc gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) cho biết trong 8 năm qua, UNIDO cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ chuyển đổi các khu công nghiệp của Việt Nam sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Trong mô hình kinh tế tuyến tính hiện tại, các nguyên liệu thô trở thành sản phẩm mới và sau khi sử dụng chúng bị loại bỏ và quay trở lại môi trường dưới dạng chất ô nhiễm. Như nước sau khi sử dụng thì ra nước thải, hay nhiên liệu, năng lượng sau khi sử dụng thải ra khí thải vào bầu khí quyển, sản phẩm sản xuất ra trở thành rác thải sau sử dụng.
“Mô hình kinh tế tuyến tính này khiến chúng ta hàng ngày đối mặt với nhiều vấn đề ô nhiễm: ô nhiễm không khí, nước, rác thải”, bà Trâm Anh nhấn mạnh; đồng thời cho rằng sử dụng mô hình kinh tế tuyến tính cũng dẫn tới việc tiêu thụ tài nguyên ngày càng gia tăng, gây áp lực lớn đến khí hậu, nước, nguy cơ mất đa dạng sinh học.
Do đó, thực hành kinh tế tuần hoàn sẽ giải quyết được 3 thách thức, đó là vấn đề về ô nhiễm, mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.
Trong khu công nghiệp, theo tính toán sơ bộ, 80% nước đầu vào sẽ trực tiếp ra thành nước thải nếu không có bất cứ quá trình tuần hoàn, tái sử dụng nào. Như vậy, hàng ngày chúng ta đã thải ra môi trường một khối lượng nước thải rất lớn. Trong khi hiện nay việc tuần hoàn và tái sử dụng vẫn chưa được thực hiện.
Bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia Kỹ thuật Quốc gia UNIDO: “Mô hình kinh tế tuyến tính khiến chúng ta hàng ngày đối mặt với nhiều vấn đề ô nhiễm”.
Chia sẻ lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn, đại diện UNIDO cho rằng kinh tế tuần hoàn làm cho sản phẩm, các bộ phận, nguyên liệu được sử dụng càng nhiều lần càng tốt thông qua việc thiết kế sản phẩm tồn tại được lâu hơn, duy trì giá trị càng lâu càng tốt trong nền kinh tế, qua đó giảm thiểu phát sinh chất thải, chất gây ô nhiễm cũng như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo dọc theo chuỗi giá trị trong sản xuất.
Đại diện UNIDO chỉ ra 3 chiến lược kinh doanh diện rộng cho nền kinh tế tuần hoàn:
Thứ nhất: Thu hẹp dòng chảy nguyên liệu làm cho việc sử dụng nguyên liệu càng ít càng tốt thông qua cải thiện hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn; thiết kế lại, thiết kế sản phẩm để nhẹ hơn, sử dụng ít nguyên liệu hơn, loại bỏ bao bì.
Thứ hai: Kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm thông qua làm chậm dòng chảy nguyên liệu bằng cách kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm qua việc bảo trì, sửa chữa đồ cũ; chia sẻ sản phẩm như chia sẻ phương tiện.
Thứ ba: Khép kín vòng lặp bằng cách tái chế các bộ phận sản phẩm vẫn còn sử dụng được thông qua việc tái sản xuất, tân trang… Tái chế các vật liệu vẫn nằm trong các sản phẩm đã qua sử dụng.
TẠO RA MẠNG LƯỚI CỘNG SINH CÔNG NGHIỆP
Để tăng tính tuần hoàn trong khu công nghiệp cũng như trong các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, bà Trâm Anh cho biết thời gian qua UNIDO đã thực hiện các nguyên tắc tuần hoàn trong các khu công nghiệp theo khung quốc tế về khu công nghiệp sinh thái, đó là một cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nằm trên cùng một địa điểm.
Ở đó, các doanh nghiệp thành viên tìm cách nâng cao hiệu quả hoạt động môi trường, kinh tế và xã hội thông qua hợp tác trong việc quản lý các vấn đề về môi trường và tài nguyên. Bằng cách hợp tác cùng nhau, cộng đồng các doanh nghiệp tìm kiếm lợi ích tập thể lớn hơn tổng lợi ích riêng lẻ mà mỗi công ty sẽ đạt được nếu chỉ tối ưu hóa hiệu suất của từng công ty.
Các chiến lược cho khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua duy trì sử dụng nguyên liệu và tài nguyên ở cấp độ khu công nghiệp bằng cách khuyến khích các công ty thành viên tạo ra mạng lưới cộng sinh công nghiệp do cùng nằm trong một địa điểm và cho phép họ trao đổi chất thải và sản phẩm phụ.
Để thực hiện cộng sinh công nghiệp, bà Trâm Anh chia sẻ doanh nghiệp hạ tầng đầu tư vào cơ sở hạ tầng chung và cung cấp dịch vụ để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (ví dụ: mạng lưới hơi nước, nhà máy thu hồi carbon dioxide (CO2), đồng thời công nghệ nhiệt điện kết hợp sử dụng sinh khối hoặc khí sinh học…).
Lấy ví dụ mô hình cộng sinh công nghiệp tại khu công nghiệp thành công như khu công nghiệp Amata giữa Công ty Pepsi Co và công ty Năng lượng xanh. Công ty năng lượng xanh sử dụng biomass (vỏ trấu, vụn gỗ…) cung cấp hơi nước bão hòa cho công ty Pepsico. Lợi ích mang lại là 60.000 tấn biomass được tái sử dụng và giảm 16,156 tấn CO2/năm.
Hay tại khu công nghiệp DEEP C, Flat Glass Group Ltd sản xuất tấm kính cho năng lượng mặt trời thải ra 3.000 tấn/năm bột mài kính, trong khi khu công nghiệp Deep C cần 2 triệu tấn vật liệu san lấp mặt bằng. Như vậy, việc cộng sinh giữa hai bên đã giúp giảm chôn lấp 3.000 tấn/năm bột mài kính để sử dụng làm vật liệu san lấp (sau khi được cấp phép).
Tại khu công nghiệp KHANH PHU IP (NINH BINH), Công ty phân bón Ninh Bình thải ra lượng khí thải lớn, Công ty khí gas Ninh Bình thu hồi khí CO2 từ Phân bón Ninh Bình để sản xuất CO2 lỏng phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm và thuốc.
Dự án đã hoạt động 3 năm, công suất 6.000m3 CO2/giờ. Giai đoạn I: Giảm phát thải 74.000 tấn/năm CO2. Giai đoạn II dự kiến nâng công suất gấp đôi: giảm phát thải 128.000 tấn/năm CO2.
Đại diện UNIDO nhận định, nền kinh tế tuần hoàn hiện đang là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự về năng lực cạnh tranh cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau (ví dụ: dệt may, điện tử, nhựa, bao bì, ô tô, kim loại, xi măng và thực phẩm, thức ăn chăn nuôi), các khu công nghiệp và các doanh nghiệp.
Các thực hành kinh tế tuần hoàn không chỉ có lợi cho môi trường mà còn hiệu quả về mặt kinh tế, nhờ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của các khu công nghiệp và các công ty.
Các khu công nghiệp sinh thái là nền tảng quan trọng để nhân rộng việc thực hành kinh tế tuần hoàn, vì có các công nghệ và mô hình kinh doanh ở cấp độ khu công nghiệp và của công ty thành viên cấp được áp dụng trong khu công nghiệp sinh thái.
Điều này thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn cũng như hiệu quả sử dụng năng lượng. Cải tiến thiết kế bằng cách cung cấp đào tạo và xây dựng năng lực cho các công ty khu công nghiệp để triển khai các thực hành kinh tế tuần hoàn, ví dụ như thiết kế có tính tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp, công nghệ sản xuất xanh và ít carbon, số hóa…
Do đó, cần xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp khu công nghiệp sinh thái để sử dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn, sản xuất sản phẩm tuần hoàn. Đồng thời tiến hành nâng cao nhận thức chung của người tiêu dùng về các sản phẩm tuần hoàn từ khu công nghiệp sinh thái.
-Vũ Khuê