Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, 5 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh này gặp nhiều thuận lợi do thị trường quốc tế đang dần hồi phục, hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng tích cực…
5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hải Dương bằng 114,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Một số ngành có chỉ số tăng cao như ngành sản xuất và phân phối điện tăng 21,1%; ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 10,7%. Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 14,5%, chủ yếu là sản xuất bộ phận phụ trợ của các hãng: Honda, Toyota, Hyundai, Kia, Mazda…
Đáng chú ý, sản xuất thiết bị điện tăng 45,2% do các thị trường xuất khẩu là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đang có sự phục hồi. Ngoài ra, sự phát triển mạnh về hạ tầng cơ sở, quá trình công nghiệp hóa, đô thị của cả nước cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện tăng sản lượng.
Ngành may mặc tăng 14,6% do sức mua trên thị trường thế giới đang hồi phục và có xu hướng tăng, nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn Hải Dương đã ký được đơn hàng đến hết quý II/2024. Thậm chí một số đã có đơn hàng đến quý III/2024.
Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm (trong đó sản phẩm chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi) tăng 11,8%, do nhu cầu về thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và các sản phẩm từ sữa ngày càng tăng cao. Đi cùng với đó là nhu cầu cung cấp thức ăn chăn nuôi có chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo tăng trưởng và năng suất.
Doanh thu bán lẻ của doanh nghiệp tại Hải Dương cũng đang tăng trưởng khá, 5 tháng đầu năm, doanh thu ước đạt 34.265 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm đạt 12.408 tỷ đồng, tăng 15,8%; Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 4.315 tỷ đồng, tăng 12,6%; Gỗ và vật liệu xây dựng đạt 4.185 tỷ đồng, tăng 8,5%; Xăng dầu các loại đạt 3.666 tỷ đồng, tăng 16,5%…
Doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 7.518 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú đạt 123 tỷ đồng, tăng 16,7%; Dịch vụ ăn uống đạt 2.727 tỷ đồng, tăng 19,8%; Dịch vụ khác đạt 4.607 tỷ đồng, tăng 10,2%…
Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải của doanh nghiệp tại Hải Dương ước đạt 6.435 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách tăng 18,3%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 13,2%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 25,1%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên toàn địa bàn tỉnh ước đạt 41.784 tỷ đồng, tăng 13,0% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng đầu năm của Hải Dương tăng 3,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,39%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,08% nguyên nhân tăng chủ yếu là do hàng thực phẩm tăng 1,49% (thịt gia súc tăng 3,86%; thịt gia cầm tăng 0,33%…
Đáng chú ý, do thời tiết không thuận lợi cho cây vải ra hoa, đậu quả nên sản lượng vải trên địa bàn Hải Dương năm nay ước giảm tới 21,8%, sản lượng vải thiều chính vụ sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, dự báo hiệu quả sản xuất vẫn khá khả quan do giá bán cao hơn năm trước.
Ngoài vải, sản lượng một số cây ăn quả chính của tỉnh đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023 như: sản lượng xoài ước đạt 1.850 tấn, tăng 5,71%; sản lượng chuối ước đạt 38.500 tấn, tăng 6,94%; ổi sản lượng ước đạt 41.000 tấn, tăng 5,13% so với cùng kỳ và cây ăn quả khác nhìn chung đều cho sản lượng cao hơn so với cùng kỳ.
Giá trị hàng hoá xuất khẩu của Hải Dương 5 tháng đầu năm ước đạt 3.855 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2023. Thực tế, đây là mức tăng thấp hơn mức tăng chung của cả nước (ước tăng trên 10%). Tuy nhiên, tốc độ tăng của Hải Dương khá đồng đều và ổn định giữa các tháng.
Giá trị hàng hoá nhập khẩu 5 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 3.191 triệu USD tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa tỉnh Hải Dương tính từ đầu năm đến 31/5 ước đạt 11.174 tỷ đồng, bằng 56,9% dự toán năm, tăng 27,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 9.723 tỷ đồng, thu qua Hải quan đạt 1.442 tỷ đồng.
-Trương Quốc Cường