Thị trường kinh doanh khí đang tồn tại một số vấn đề nổi cộm, một số quy định còn bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp cần sớm có giải pháp điều chỉnh trong thời gian tới nhằm giúp hoạt động kinh doanh khí cạnh tranh và minh bạch hơn…
Bức tranh toàn cảnh về thị trường khí đầy cạnh tranh đã được phác thảo khá rõ nét tại diễn đàn “Phát triển thị trường khí Việt Nam – Xây dựng thị trường khí cạnh tranh, minh bạch” vừa diễn ra ngày 25/8/2022.
Tại đây, đại diện Bộ Công Thương, ông Đỗ Trọng Hiếu, Phó Trưởng phòng Phòng phân phối hàng hóa và dịch vụ thương mại, (Vụ Thị trường trong nước) thừa nhận rằng đang có tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng (LPG) chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín.
Trong đó có nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ khí, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.
Theo thống kê của Hiệp hội Gas Việt Nam, hiện nay có đến 30% lượng chai LPG của các thương hiệu đang bị thu giữ, chiếm đoạt, thậm chí bị hủy hoại trái phép. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh LPG chai, trạm chiết nạp LPG vào chai chưa có quy định cụ thể trong việc trao đổi, hoàn trả chai LPG hoặc hợp đồng thỏa thuận trao đổi chai LPG không được thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng chiếm dụng chai LPG nên khó kiểm soát hoạt động kinh doanh, tạo sự bất ổn trên thị trường khí.
CÁC QUY ĐỊNH CHƯA THỐNG NHẤT, RÕ RÀNG
Nguyên nhân là do một số quy định chưa thống nhất và rõ ràng về điều kiện kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của các loại hình thương nhân như: thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí; thương nhân sản xuất, chế biến khí và thương nhân kinh doanh mua bán khí.
Đặc biệt, trong quy định về hệ thống phân phối, Nghị định số 87/2018/CP chưa quy định đầy đủ, rõ ràng và cụ thể về các loại hình thương nhân thuộc hệ thống phân phối kinh doanh khí, gây hiểu nhầm và lúng túng cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong quá trình áp dụng (về quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong hệ thống phân phối; nghĩa vụ thực hiện chế độ báo cáo hệ thống phân phối, thông báo giá và giá bán lẻ).
Hơn nữa, việc quy định về lập sổ theo dõi chai LPG là một trong những điểm mới của Nghị định số 87/2018/CP nhằm ngăn chặn tình trạng chiếm dụng chai LPG trên thị trường, nhưng việc triển khai còn gây khó khăn trong doanh nghiệp do công tác tuyên truyền, thiếu lộ trình áp dụng, chưa có quy định ràng buộc các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện…
Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh đã không tuân thủ hoặc thực hiện kiểu đối phó.
Về trạm cấp khí, trạm nén khí thiên nhiên nén (CNG) còn thiếu quy định về quản lý đối với trạm cấp khí. Quy định về trạm nén CNG chưa gắn với bản chất thực tiễn hoạt động cung cấp CNG trên thị trường.
Ngoài ra, việc triển khai công tác kê khai giá, kiểm soát giá không được thực hiện nghiêm túc và khó khăn trong việc kiểm tra, quản lý do quy định không đầy đủ và rõ ràng về hệ thống phân phối kinh doanh LPG.
Chính những bất ổn trên khiến tình trạng các tổ chức, cá nhân kinh doanh LPG cạnh tranh không lành mạnh bằng cách chiếm giữ, trao đổi, mua bán các loại chai LPG không thuộc quyền sở hữu gây mất ổn định thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.
CẦN SỚM SỬA ĐỔI NGHỊ ĐỊNH 87
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam bổ sung, Nghị định 87 theo xu hướng nới lỏng điều kiện cấp phép để nhiều thành phần kinh tế tham gia thị trường khí.
Tuy nhiên, chính việc nới lỏng này đã có nhiều doanh nghiệp không có năng lực, đầu tư không bài bản, không vì quyền lợi người tiêu dùng lợi dụng kẽ hở sự thông thoáng của Nghị định nhằm trục lợi, vi phạm pháp luật.
Một hạn chế khác, Nghị định 87 chưa tách bạch các loại sản phẩm như LPG, CNG, LNG, mà gộp vào coi như một loại khí, trong khi mỗi sản phẩm có thị trường, đặc thù khác nhau. Nên trong thời gian tới cần tách bạch các loại khí, có quy định rõ ràng, cụ thể hơn phù hợp với tính chất từng loại sản phẩm.
Ngoài ra cần có chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ xử phạt hành chính mà tiến tới xử lý hình sự cho các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh khí nhằm tạo lập niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc chứng minh sở hữu chai trong nhiều vụ vi phạm cần được đơn giản hoá, phù hợp với thực tế. Hiện có 3 nghị định quy định chế tài xử phạt đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh khí. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý, cần có quy định thống nhất.
Trước thực tế không còn phù hợp của Nghị định 87/2018/CP, Chủ tịch Hiệp hội Gas đề nghị cần sớm sửa đổi nghị định này theo hướng tăng cường vai trò quản lý của cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo thị trường khí phát triển một cách công bằng, minh bạch, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp chân chính.
Đồng thời, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. “Dần dần tiến tới có chế tài loại bỏ các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường khí.
Quan trọng nhất, nghị định cần cung cấp đủ công cụ, khung pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực thi trách nhiệm quản lý, giám sát thị trường một cách hiệu quả nhất”, ông Bình nhấn mạnh.
-Song Hà