Cả Việt Nam và Lào đều xác định mối quan hệ song phương giữa hai nước là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất, được ưu tiên nhất trong mối bang giao quốc tế của mỗi nước…
Ngày 5/9/1962, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Vương quốc Lào, đứng đầu là Quốc vương Sisavang Vatthana, đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ở thời điểm đó, Vương quốc Lào là một trong số rất ít các quốc gia ngoài khối xã hội chủ nghĩa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 18/7/1977, trong khuôn khổ chuyến thăm Lào của đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Chính phủ Việt Nam, do Tổng Bí thư Lê Duẩn dẫn đầu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Kaysone Phomvihane, thay mặt chính phủ hai nước, đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Đây là hai mốc son trong lịch sử quan hệ Việt – Lào.
Cả Việt Nam và Lào đều xác định mối quan hệ song phương giữa hai nước là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất, được ưu tiên nhất trong mối bang giao quốc tế của mỗi nước.
Quan hệ Việt – Lào vốn có truyền thống lịch sử lâu đời và ngày càng bền chặt, nhất là từ khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, chính đảng của giai cấp vô sản ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, thời cùng là thuộc địa của thực dân Pháp, có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng ở ba nước láng giềng núi sông liền một dải để giành độc lập cho mỗi dân tộc từ tay thực dân Pháp.
Kể từ đó, quan hệ Việt – Lào đã trải qua hơn 90 năm gắn bó máu thịt, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, trong đó có mấy chục năm các lực lượng cách mạng hai nước cùng chung chiến hào chống kẻ thù chung, cùng hy sinh, đổ máu cho nhau, thực sự trở thành mối quan hệ đặc biệt có một không hai trên thế giới, luôn gắn bó thủy chung, chưa từng một lần đứt gãy.
Theo cuốn “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 – 2007” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011), trong lần trả lời phỏng vấn báo Nhân dân ngày 4/7/1989 về quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Kaysone Phomvihane nhắc đến cuộc hội đàm giữa đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu, và đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, do đồng chí dẫn đầu, vào dịp trước Đại hội III (1960) của Đảng Lao động Việt Nam. Đồng chí Kaysone nhớ lại: “Khi thảo luận về mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, Bác Hồ và chúng tôi đều thấy rằng, ngoài mối quan hệ giữa hai Đảng cùng chung lý tưởng cộng sản, giữa hai nước láng giềng thân thiện, có sự gắn bó keo sơn không giống bất cứ nước nào. Bác Hồ nói: “Chúng ta phải gọi là quan hệ đặc biệt”. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với Bác, vì đó là sự thật lịch sử”.
Quan hệ Việt – Lào quả thật rất đặc biệt.
Đâu chỉ các sự kiện lịch sử quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, đâu chỉ các thỏa thuận ký giữa hai bên hoặc phát biểu của lãnh đạo hai nước về mọi vấn đề liên quan đến mối quan hệ này, hoặc sự hy sinh cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau hết sức vô tư, chí tình, chí nghĩa, ở tầm vĩ mô, mới minh chứng cho tính chất đặc biệt của quan hệ Việt – Lào. Những câu chuyện có thật, rất đời thường, ở tầm vi mô, xuất phát từ tình cảm gắn bó sống chết có nhau của những con người cụ thể khi cùng chung chiến hào, cũng làm nổi bật nét đặc biệt có một không hai của mối quan hệ Việt – Lào. Chuyện hai người chiến sĩ – một là quân tình nguyện Việt Nam, một là cán bộ vũ trang Pathết Lào – kết nghĩa với nhau thời chiến tranh là một ví dụ. Họ thề sống chết có nhau và nguyện nuôi con cho nhau, nếu chẳng may một người hy sinh. Rồi người cán bộ Pathết Lào hy sinh. Người cán bộ quân tình nguyện Việt Nam đưa toàn bộ 6 đứa con nhỏ của người bạn Lào về Hà Nội để vợ ông nuôi cùng 6 đứa con đẻ của họ giữa thời bao cấp và chiến tranh khốn khó, cho đến khi trưởng thành, học hết đại học, mới trở về Lào mà sau này, một trong những người con ấy, giữ trọng trách là lãnh đạo cao cấp ở Lào, vẫn quan tâm chăm lo cho người mẹ nuôi Việt Nam, như mẹ đẻ của mình. Những câu chuyện sâu nặng tình người như thế – không phải tình người với lòng nhân ái thông thường mà là tình người thấm đẫm ân nghĩa, được thử thách giữa cái sống và cái chết trong cuộc chiến đấu của hai dân tộc cùng chung chiến hào – có lẽ chỉ có trong quan hệ Việt – Lào.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt mối quan hệ Việt – Lào trong gần một thế kỷ qua chính là sự tin cậy lẫn nhau, một sự tin cậy hoàn toàn, trong sáng, không gợn chút hoài nghi, được thử thách trong chiến tranh lửa đạn của một thời khốn khó mà vẫn sáng bừng nghĩa tình “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, và nay càng tin cậy nhau hơn giữa những diễn biến phức tạp khôn lường của các mối bang giao quốc tế.
Giữa các quốc gia láng giềng, không dễ có được mối quan hệ thủy chung, bền chặt và tin cậy nhau như thế
VnEconomy 18/07/2022 06:00
–