Phát triển các cộng đồng nuôi cấy ngọc trai Mabe (ngọc bán cầu) tại Việt Nam đang cho thấy tiềm năng mang lại cơ hội sinh kế mới cho người dân sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ ngọc trai. Với sản phẩm ngọc trai đủ kiểu dáng độc đáo: bầu dục, bán cầu, ngôi sao, trái tim, hình ô van… bán được với giá cao hơn nhiều so với ngọc trai hình cầu, hình giọt nước…
Từ bến tàu Long Phú ở vịnh Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi đi tàu chừng 20 phút ra đến giữa vịnh. Tại khu vực Hòn Giữa thuộc thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), có rất nhiều lồng bè nuôi trồng hải sản. Trong đó, có hàng chục nhà bè chuyên nuôi hàu, đặc biệt có 6 hộ gia đình đang nuôi trai ngọc nữ để sản xuất ngọc trai mabe.
NHỮNG VIÊN NGỌC TRAI KỲ LẠ
Chúng tôi lên nhà bè của gia đình ông Lê Văn Năm, với lồng bè trải rộng trên diện tích 5.000 m2 mặt nước. Ông Năm vớt trai trong một lồng nuôi đã đến kỳ thu hoạch và tiến hành mổ từng con trai. Trong mỗi con trai khi mổ ra thấy có 3-4 viên ngọc. Điều đặc biệt, ngọc trai ở đây không chỉ có hình giọt nước, hình cầu, mà đủ kiểu dáng độc đáo. Có viên hình bầu dục, hình bán cầu, hình ngôi sao 5 cánh, ngôi sao 6 cánh, lại có những viên hình trái tim, hình ô van…
Ông Năm cho biết sản phẩm ngọc này được gọi là ngọc bán cầu (trên thế giới gọi là ngọc Mabe), khác với các sản phẩm ngọc thông thường chính là bởi hình dạng nhân đưa vào trong con trai và kỹ thuật cấy nhân.
“Trong khi các hộ sản xuất loại ngọc trai hình cầu, hình giọt nước chỉ bán được với giá từ 300 nghìn đồng – 1 triệu đồng/viên (tùy chất lượng), thì ngọc bán cầu được các thương nhân thu mua tại nhà bè của tôi với giá 2 triệu đồng/viên. Thậm chí có những viên ngọc to, đẹp được trả giá lên đến 10 triệu đồng/viên”.
Ông Lê Văn Năm, thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Theo ông Năm, trai nuôi ở đây là trai ngọc nữ – giống trai phân bố nhiều ở vùng biển các tỉnh duyên hải miền Trung, Việt Nam. Đây là loài trai cho giá trị kinh tế cao. món ăn cao cấp, vỏ trai ngọc nữ có nhiều màu sắc sặc sỡ, óng ánh nên được gia công thành những mặt hàng mỹ nghệ có giá trị.
Tại nhà bè của gia đình ông Năm, lồng nuôi được thiết kế hình trụ đứng với độ sâu 3 m, có lưới bao bọc. Mật độ thả nuôi 100 con trai/lồng. Ông Lê Văn Năm chia sẻ: Trong môi trường nuôi nhân tạo, cho ăn đầy đủ dưỡng chất, sẽ tạo nên viên ngọc tròn, đẹp, bóng tỷ lệ cao hơn ngọc tự nhiên nhiều lần. Việc cấy ghép nhân ngọc hiệu quả nhất vào 2 mùa chính là mùa xuân và mùa thu. Trong mỗi con trai, cấy từ 3-5 hạt nhân ngọc bán cầu, hạt nhân có đủ loại hình khác nhau: hình ngôi sao, hình trái tim, hình bầu dục…
“Mô tế bào nằm ở 2 màng áo của trai. Khi cấy nhân phải cắt đúng điểm tạo ngọc nằm ở 2 thành dãi; nếu cắt lệch, hiệu quả tạo ngọc sẽ không cao. Công đoạn này cần đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Viên ngọc có đẹp, chất lượng tốt hay không phụ thuộc lớn vào công đoạn này”, ông Năm tiết lộ bí quyết. Trai sau khi được cấy nhân, thả xuống lồng nuôi sau 8-10 tháng đã cho thu hoạch ngọc. Trong khi nuôi trai để sản xuất các loại ngọc thông thường phải mất 18-20 tháng mới có thể thu hoạch.
Mỗi khi có thương nhân chuyên kinh doanh ngọc trai từ TP. HCM đến mua sản phẩm, ông Năm sẽ vớt trai lên để thu hoạch ngọc. Căn cứ vào màu sắc, hình dáng, độ to nhỏ của từng viên ngọc mà thương lái sẽ trả giá cho từng viên. Hoặc sau khi tách trai lấy ngọc, trai được gửi đến các công ty vàng bạc đá quý trong khoảng một tuần để kiểm định, phân loại ngọc trai. Thông thường mỗi tuần ông Năm thu hoạch luân phiên một lồng nuôi, với khoảng 50-70 con trai (phụ thuộc tỷ lệ nuôi sống), cho khoảng 200-250 viên ngọc, bán thu về 40-50 triệu đồng.
Kể về cái duyên với nghề nuôi trai lấy ngọc, ông Lê Văn Năm cho biết trước đây gia đình ông cũng như hàng chục hộ gia đình ở vịnh Nha Phu chỉ chuyên nuôi hàu. Nuôi hàu mỗi lứa mất khoảng 5 tháng, đạt năng suất trung bình 4,02 kg/dây (khoảng 25-27 con/kg). Với giá bán bình quân 25.000 – 30.000 đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận đem về 50 triệu đồng-70 triệu đồng vụ nuôi.
Tuy vậy, nuôi hàu không phải lúc nào cũng trúng, rất nhiều vụ thất thu có những năm hàu chết rất nhiều. Đơn cử như năm 2016, ông đầu tư 1.500 dây hàu giống (100 con/dây), tốn phí 20 triệu đồng, thế nhưng chỉ vài tháng sau, hàu chết gần hết. Đã vậy, ông còn bị ép giá bán, đầu vụ, ông bán giá 35.000 đồng/kg, sau đó thương lái chỉ thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Thu hoạch không đủ bù chi phí mua giống. Không chỉ gia đình ông Năm, ở Khánh Hòa, rất nhiều người nuôi hàu thua lỗ và mong muốn tìm giống mới để thay thế.
Từ năm 2017, ông Năm may mắn được các cán bộ của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 (tại Nha Trang), giới thiệu kỹ thuật nuôi trai cấy ngọc bán cầu, nên ông đã thử sức nuôi loài này. Nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật của các chyên gia, đến thời điểm này, ông Năm là một trong 2 gia đình ở trên vịnh Nha Phu đã cho sinh sản và nuôi ương thành công giống trai ngọc nữ.
Tuy vậy, do lượng trai giống sinh sản và ương nuôi còn ít, gia đình ông vẫn vừa kết hợp nuôi trai với nuôi hàu. Trong đó, riêng ngọc trai mỗi năm đem về cho gia đình ông khoảng 400 – 500 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với nuôi hàu.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 23-2023 phát hành ngày 05-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
-Chu Khôi