Trang chủ » BLOG » Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Thể chế hoá chính sách phát triển năng lượng quốc gia còn chậm

Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển năng lượng quốc gia, trong đó ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, việc thể chế hóa, cơ chế hóa chính sách theo Nghị quyết 55 về phát triển các nguồn năng lượng này đang diễn ra rất chậm…

Diễn đàn “Triển vọng phát triển năng lượng mới: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp hiệu quả với Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức với sự đồng hành của Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Là cơ quan được giao chủ trì hướng dẫn kiểm tra giám sát, đôn đốc định kỳ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 55, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương khẳng định Nghị quyết 55 là các định hướng chủ trương chính sách lớn của đảng, nhà nước Việt Nam về phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO ĐÓNG GÓP ĐÁNG KỂ CHO HỆ THỐNG ĐIỆN

Trong phát biểu đề dẫn nội dung trao đổi tại diễn đàn, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương, cho biết Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiều định hướng lớn về chuyển dịch năng lượng và xác định nhóm nhiệm vụ giải pháp cần thể chế hóa trong thời gian tới, từ vấn đề liên quan đến phát triển cơ cấu nguồn năng lượng một cách hợp lý và nâng cao mức độ tự chủ, cho tới vấn đề xây dựng hạ tầng năng lượng tới khoa học công nghệ và các cơ chế chính sách chung.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn “Triển vọng phát triển năng lượng mới: kinh nghiệm quốc tế và giải pháp hiệu quả với Việt Nam”. Ảnh: Việt Dũng.

Đặc biệt, cùng với với phát triển năng lượng tái tạo, Nghị quyết 55 cũng nhấn mạnh đến việc cần sớm nghiên cứu đánh giá tổng thể tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thủy triều hải lưu. Đồng thời Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu nghiên cứu công nghệ xây dựng Đề án thử nghiệm sản xuất và ứng dụng công nghệ năng lượng Hydro phù hợp với xu hướng năng lượng chung của thế giới.

Đánh giá về những kết quả đã đạt được trong quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam thời gian qua, TS Nguyễn Đức Hiển cho rằng tại Việt Nam điện mặt trời và điện gió đã có sự phát triển nhanh chóng, đóng góp đáng kể vào cơ cấu năng lượng.

Theo đó, trong Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không (tháng 6/2024), tính từ năm 2020 đến năm 2023, tổng công suất điện gió huy động tăng từ khoảng 538 MW lên khoảng 5.059 MW; công suất huy động điện mặt trời tăng từ 8.823 MW lên khoảng 16.568 MW. Bên cạnh đó, có 23 dự án điện sinh khối tổng công suất khoảng 523 MW. Tổng công suất năng lượng tái tạo trong toàn hệ thống tăng từ 15,6% lên 27,1%, quy mô hệ thống điện của Việt Nam hiện đứng đầu ASEAN.

THỂ CHẾ HÓA CHÍNH SÁCH CỦA NHIỀU BỘ NGÀNH VẪN “Ì ẠCH”

Tuy nhiên, dưới góc độ cơ quan đôn đốc giám sát, TS Hiển thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển năng lượng nói chung và phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cản trở sự chuyển dịch, phát triển của năng lượng Việt Nam.

Thứ nhất, công tác thể chế hóa các chủ trương của Đảng nêu trong Nghị quyết 55 còn chậm, sự tham gia chủ trì của Bộ Công Thương, phối hợp của các bộ, ngành còn chậm, nhiều nhiệm vụ giải pháp nêu trong Nghị quyết đến nay vẫn chưa được triển khai, hoặc triển khai còn chậm so với tình hình thực tiễn.

Cụ thể: Nghị quyết 55 được ban hành vào tháng 2/2020, đến tháng 10/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55. Nghị quyết 140 đã đề ra 8 nhóm mục tiêu, 10 nhóm giải pháp, 39 Đề án và giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Tuy nhiên, theo thống kế của Ban Kinh tế Trung ương, trong số 39 Đề án đã được giao cho các Bộ, ngành, tính đến nay mới có 12 Đề án hoàn thành, nhưng hầu hết đều chậm từ 2-3 năm so với kế hoạch. 27 đề án, nhiệm vụ còn lại đều trong tình trạng đang triển khai hoặc chưa được triển khai thực hiện.

Trong số 7 cơ quan Bộ, ngành được giao nhiệm vụ nhưng còn “nợ” chưa triển khai hoặc có triển khai nhưng chậm muộn thì Bộ Công Thương đứng đầu với 22 Đề án; Bộ Giao thông Vận tải và Tài nguyên Môi trường đứng thứ hai với 3 Đề án; Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Kế hoạch Đầu tư có 2 nhiệm vụ chưa triển khai.

Trong danh sách những Đề án chưa được triển khai có những nhiệm vụ được đánh giá là rất quan trọng đối với việc phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới, như: nhóm 3 nhiệm vụ về Phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ ngành năng lượng (giao Bộ Công Thương và Kế hoạch đầu tư) và hoàn thiện chính sách thuế khuyến khích sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đến thời điểm này đều chưa được các Bộ trên chưa triển khai thực hiện.

Thứ hai, công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng và khai thác các dự án điện gió, điện mặt trời còn bất cập; phát triển chưa đồng bộ dẫn đến hạ tầng truyền dẫn không theo kịp tốc độ tăng trưởng công suất gây ra sự kìm hãm; năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị.

Theo TS Nguyễn Đức Hiển, trong Nghị quyết 55 nhấn mạnh phải có cơ chế khuyến khích đột phá thực sự để phát triển điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi. Đồng thời phải có chính sách cho nguồn điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên, gần đây chúng ta cứ loay hoay mãi về giá điện này, lúc thì định giá 0 đồng, thậm chí có ý kiến chuyên gia cho rằng người phát điện lên hệ thống phải trả phí.

Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: Việt Dũng

Thứ ba, tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng còn thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy nội địa hóa công nghệ.

Phân tích rõ hơn về thách thức này, TS Nguyễn Đức Hiển cho rằng: Chúng ta cần tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, nhưng hiện nay phần lớn thiết bị cho truyền tải, công nghiệp năng lượng vẫn phải nhập khẩu. Trong Nghị quyết 55 đặt ra rất rõ yêu cầu xây dựng cơ chế đặt hàng sản xuất, quy định nội địa hóa để vực dậy doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đến nay như chúng ta đã thấy nhiều chính sách còn chưa được triển khai xây dựng. Luật Đấu thầu đã có quy định rõ ràng, nhưng cơ chế đấu thầu chưa được thể chế hóa. Chúng ta cũng chưa có cơ chế chính sách đặc thù cho các dự án trọng điểm Quốc gia.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa nâng cao được năng lực thích ứng của hệ thống lưới điện truyền tải. Điển hình như các dự án về truyền tải theo yêu cầu của Nghị quyết 55 và trong Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh (trước đây) hầu như triển khai trong mấy năm qua đều rất chậm.

Quan ngại hơn, việc nghiên cứu đánh giá tổng thể về năng lượng mới hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở ý tưởng và đang nằm trên giấy của các Bộ, ngành liên quan, chứ chưa có dự án triển khai thí điểm lớn.

“Qua giám sát của Ban Kinh tế Trung ương, cơ chế đột phá cho một số lĩnh vực trọng tâm về năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng chưa được cụ thể hóa thành các chính sách cụ thể”, TS Nguyễn Đức Hiển bày tỏ lo ngại; đồng thời cho biết thời gian tới Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiến hành đôn đốc các Bộ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sẽ có kiến nghị lên Ban chấp hành Trung ương để có những chỉ đạo thực hiện rốt ráo đối với các bộ, ngành được giao nhiệm vụ.

-Nguyệt Hà

Viết một bình luận

Generated by Feedzy