Trang chủ » BLOG » Quảng Nam sẽ đấu giá mỏ vàng ở Hồ Ráy

Mỏ vàng khu vực Hố Ráy thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, đã được bổ sung vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, theo quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường phê duyệt…

Theo báo cáo thăm dò được phê duyệt, mỏ vàng Hố Ráy có diện tích 61 ha với trữ lượng ước tính khoảng 2.462 kg vàng, 788 kg bạc và 1.237 tấn vonfram. Khu vực này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cấp phép thăm dò khoáng sản cho một doanh nghiệp; nhưng đơn vị này đã bị tuyên bố phá sản vào cuối năm 2018.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, trước đây có 3 đơn vị đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực này. Tuy nhiên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có các công văn trả lời không có cơ sở cấp phép; chưa có cơ sở để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về hồ sơ khai thác khoáng sản.

Theo một kết quả thăm dò khoáng sản giai đoạn 2011 – 2020 được Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia phê duyệt, Việt Nam hiện có khoảng 25.084 kg vàng gốc; trong đó, Quảng Nam là tỉnh nhiều vàng nhất cả nước. Khu vực Hố Ráy được đưa vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu rõ, việc đấu giá sẽ tuân theo quy định của pháp luật về khoáng sản và đấu giá tài sản, với thời gian thực hiện trong năm 2025. Nếu chưa hoàn thành trong năm 2025, khu vực mỏ sẽ được chuyển sang đấu giá trong các năm tiếp theo.

Trước đó, ngày 11/4/2025, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã có báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiến độ thực hiện Đề án đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Phạm vi thực hiện của Đề án thuộc địa bàn các tỉnh gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và vùng núi của thành phố Đà Nẵng.

Theo báo cáo này, đến thời điểm hiện tại, Đề án Trung Trung Bộ đã phát hiện, đánh giá tiềm năng tài nguyên, tạo đủ cơ sở để chuyển giao đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản 26/45 khu mỏ, trong đó có 3/8 – 10 khu mỏ khoáng sản kim loại, 6/10 – 15 khu mỏ khoáng chất công nghiệp và 17/20 – 25 khu mỏ đá ốp lát; phát hiện, chuyển giao thăm dò 2 – 3 diện tích triển vọng quặng uranium…

Một đề án khác là Đề án Tây Bắc (tên đầy đủ: Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc) đã phát hiện 110 mỏ khoáng sản quý và quan trọng tại 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An; trong đó có khoảng 40 mỏ vàng với tổng trữ lượng gần 30 tấn vàng trị giá khoảng 3 tỷ USD.

Nhìn chung, các dữ liệu công khai cho thấy, Việt Nam hiện có hàng chục vùng khai thác vàng, mỏ vàng lớn với tổng trữ lượng được dự báo lên đến hàng trăm tấn. 

-Xuân Nghi

Viết một bình luận

Generated by Feedzy