Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhận định: “Trẻ em là hiện tại và cũng là tương lai, các hoạt động kinh doanh không thể bền vững nếu không tính đến tác động đối với trẻ em” …
Theo số liệu từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay trên thế giới có khoảng 2,2 tỷ trẻ em ở độ tuổi dưới 18 tuổi, chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới.
TRẺ EM LÀ BÊN LIÊN QUAN TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP
Báo cáo về Lao động trẻ em do UNICEF công bố năm 2021 cho thấy, con số trẻ em lao động trên toàn thế giới đã tăng lên đến 160 triệu trẻ, đi ngược với xu hướng giảm trước đó, khi mà từ năm 2000 đến 2016, số lượng trẻ em lao động đã giảm 94 triệu.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, trẻ em giờ đây có vai trò vô cùng quan trọng, như một “bên liên quan” chịu tác động và tạo tác động đến các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, trẻ em là các bên liên quan của doanh nghiệp với tư cách là thành viên gia đình của nhân viên, công nhân trẻ, người tiêu dùng, thành viên của cộng đồng và môi trường doanh nghiệp hoạt động. Hơn nữa, trẻ em là nhân viên tương lai và lãnh đạo doanh nghiệp.
Nhiều hoạt động kinh doanh tác động đến cuộc sống của trẻ em theo nhiều cách mà doanh nghiệp thậm chí không nhận ra.
Bà Ines Kaempfer, Tổng Giám đốc điều hành, Trung tâm quyền trẻ em và doanh nghiệp (The Centre) cho biết nghiên cứu phân tích 20 cơ sở có sử dụng trẻ em ở các quốc gia trong đó có Việt Nam, kết quả cho thấy, lao động trẻ em là vấn đề đặc biệt cần quan tâm, đòi hỏi cần có hành động mạnh mẽ hơn nữa.
Rất nhiều người lao động ở các trang trại thu nhập chưa đủ để có cuộc sống đoàng hoàng nên tác động đến con cháu họ. Nhiều cha mẹ không có điều kiện cơ bản cho con cái học hành.
Bên cạnh đó, hệ thống lao động chính thức chưa cho phép sự tham gia của lao động trẻ em nên những trẻ không đủ điều kiện học họ phải tham gia vào khu vực lao động phi chính thức.
“Còn nhiều gia đình, người lớn làm việc suốt ngày nhưng vẫn không có tiền cho con đi học thì hiện tượng lao động trẻ em vẫn diễn ra”, bà Ines Kaempfer thực tế.
LÀM THẾ NÀO CÂN BẰNG LỢI NHUẬN KINH DOANH VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI?
Bà Ines Kaempfer cho rằng cách đây 11 năm các doanh nghiệp mới hiểu lao động trẻ em dưới khía cạnh vật chất. Nhưng ngày nay, sự hiểu biết về quyền lợi của trẻ em đã được nâng cao, đảm bảo trẻ em có một tương lai bền vững hơn.
“Song không phải nâng cao nhận thức là có hành động cụ thể mà chúng ta phải hiện thực hoá thông qua các hành động, sáng kiến bằng việc tham gia của tất cả các doanh nghiệp. Chúng ta cần có hệ thống đảm bảo quyền trẻ em một cách hiệu quả”, bà Ines Kaempfer nhấn mạnh.
Doanh nghiệp đã thực hiện theo chỉ số phát triển bền vững, nhưng vấn đề bảo vệ quyền trẻ em từ các hoạt động kinh doanh thế nào? Theo bà Anjanette Saguisag, Trưởng Chương trình chính sách xã hội và quản trị (UNICEF Việt Nam), điều này cần có sự chung tay của khu vực công và tư nhằm tối đa hoá vai trò của nhau trong việc đảm bảo quyền trẻ được thực hiện và cần làm nhiều hơn nữa.
Một chặng đường mới trong thập kỷ tới là chúng ta phải thực hiện hoạt động kinh doanh phù hợp với trẻ em vì đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Có những cơ chế phù hợp với trẻ em vừa an toàn, dễ tiếp cận. Đặc biệt cần có các chế tài khi xảy ra những bất cập với trẻ em. Đồng thời, xây dựng hoạt động kinh doanh phù hợp cho trẻ em thông qua các tiêu chí ESG.
Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCCI) cho rằng doanh nghiệp cần hiểu tôn trọng quyền con người, trong đó có quyền trẻ em là điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững thực sự.
Việc tích hợp quyền trẻ em vào các chỉ tiêu về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong hoạt động kinh doanh bền vững ngày càng được doanh nghiệp chú ý. Họ coi đó những công cụ, những hướng dẫn để đảm bảo thực tiễn hoạt động kinh doanh là phù hợp với trẻ em.
Đặc biệt khi xây dựng chiến lược kinh doanh, cần làm việc với trẻ em, có tham vấn với các cơ quan liên quan tới trẻ em… Nếu doanh nghiệp biết lắng nghe họ, đưa vào chiến lược kinh doanh của mình thì doanh nghiệp sẽ đạt điểm cao. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho lao động trẻ cũng cần được quan tâm.
10 năm tới là thời gian quan trọng không chỉ nâng cao nhận thức mà cần xây dựng một cách tổng thể về quyền trẻ em. Trong đó vấn đề, lương, thu nhập cần được nhìn thẳng sự thật để giải quyết nhằm đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho trẻ em.
Điểm sáng hiện nay, theo đại diện The Centre, đã có doanh nghiệp hiểu rõ có trách nhiệm với trẻ em chính là bảo vệ danh tiếng của doanh nghiệp. Rủi ro đối với trẻ em chính là rủi ro với danh tiếng công ty.
Nhất là khi ESG đang nhanh chóng trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong quyết định của nhà đầu tư.
Báo cáo đặc biệt đo lường chỉ số niềm tin của Edelman – tổ chức đầu tư” chỉ rõ, 88% các nhà đầu tư tin rằng các công ty chú trọng đến sáng kiến về ESG sẽ đem lại cơ hội về mặt lợi nhuận trong dài hạn tốt hơn so với các công ty không chú trọng về ESG.
Ngoài ra, đặt ưu tiên vào việc thực hành ESG sẽ không chỉ giúp các doanh nghiệp trong nước đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, mà còn trang bị cho họ năng lực bước vào thị trường toàn cầu.
-Vũ Khuê