Những mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa hình thành trên vùng ven biển Vịnh Hạ Long, đã góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức, năng lực quản lý tổng hợp rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa vùng ven biển, đồng thời tạo ra lối “sống xanh”…
Điền dã thành phố Hạ Long vào những ngày cuối tháng 8/2022, cảm nhận đầu tiên là quang cảnh đã sạch đẹp hơn so với trước đây. Trên đường phố và ở các bãi biển xuất hiện những người dân đi nhặt rác, đặc biệt là rác thải nhựa được thu gom liên tục.
BIẾN RÁC THẢI THÀNH TIỀN
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Hoàng Thị Thể – một vựa thu mua ve chai ở tổ 5 khu 6 phường Hòn Gai. Ắp đầy quanh nhà là những bao rác đủ loại. Ba người trong gia đình đang mải mê phân loại rác theo từng chất liệu, thứ nào ra thứ ấy: nhựa, bìa các tông, kim loại…
Gia đình bà Thể hành nghề ve chai mới được 3 năm. Bà Thể kể: Từ nhiều năm nay, các điểm tập kết rác thải sinh hoạt trong khu dân cư luôn là nỗi ám ảnh của người dân thành phố Hạ Long. Vào những ngày trời nồm hay thời tiết thay đổi, mùi hôi thối từ những điểm tập kết rác bay khắp nơi, cùng với đó là ruồi, nhặng phát sinh nhiều.
“Hiện tại, đồng phế liệu bán cho nhà máy với giá 150.000 đồng/kg; nhôm 30.000 đồng/kg; nhựa 3.500 đồng/kg”. Bình quân mỗi tấn rác thu mua và phân loại, được lãi 1 triệu đồng. Mỗi tháng cả nhà với 3 lao động thu nhập khoảng 25 triệu đồng”.
Anh Phạm Văn Đạt, phường Hòn Gai, Hạ Long, Quảng Ninh.
Một lần, Hội Phụ nữ phường Hòn Gai tổ chức vận động chị em làm vệ sinh môi trường, cùng nhau thu dọn rác, bà Thể cũng tham gia. Hôm đó, số vỏ chai nhựa thu nhặt được ở bãi tắm Hòn Gai khá lớn, hơn 2 tạ. Bà Thể đi theo xe chở các vỏ chai nhựa đến giao cho một doanh nghiêp chuyên thu mua tái chế phế liệu. Bà đặt vấn đề với doanh nghiệp này tổ phụ nữ sẽ đứng ra làm đại lý thu gom và bán phế liệu cho nhà máy.
Từ đó, 15 chị em phụ nữ trong xóm rủ nhau bắt đầu làm nghề ve chai, chuyên đi nhặt rác trên các con đường và bãi biển ở thành phố Hạ Long. Mẹ con bà Thể đứng ra thu mua toàn bộ số rác của nhóm thu lượm được hàng ngày. Con trai bà Thể là anh Phạm Văn Đạt, khi ấy đang làm công nhân lương 6 triệu đồng/tháng, cũng quyết định bỏ việc, ở nhà để cùng mẹ làm nghề ve chai.
Anh Đạt hì hụi nạy chiếc nồi cơm điện hỏng, để lấy lõi kim loại ra khỏi vỏ nhựa, hồ hởi tiếp chuyện chúng tôi. Anh Đạt cho hay, lượng rác thu mua từ 15 người bình quân mỗi ngày được hơn 1 tấn, với giá mua đổ đồng 3.000 đồng/kg. “Rác về, mình phân loại luôn trong ngày thành sắt, đồng, giấy, chai nhựa…sau đó chở đến bán cho nhà máy tái chế.
Anh Phạm Văn Đạt (bên trái) phân loại rác thải
Đi cùng đoàn nhà báo chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đường – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, cho biết trước đây ở Hạ Long rất ít người làm nghề ve chai. Lượng rác thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn Hạ Long rất lớn bởi đây là điểm du lịch thu hút đông khách. Bình quân rác thải lên tới 47,6 tấn/ngày, tương ứng 17,3 nghìn tấn/năm.
Thành phố có đội ngũ nhân công môi trường, nhưng việc thu gom rác không xuể, khiến tình trạng rác ồn ứ, mất vệ sinh môi trường đã từng trở thành “vấn nạn” tại nơi đây. Những năm gần đây, từ chủ trương vận động của thành phố, nhiều người dân đã chuyển sang làm nghề ve chai, thu gom và thu mua rác, đã giúp giải quyết được vấn đề rác thải.
“Bên Sở môi trường phải thuê nhiều công nhân, đầu tư nhiều xe chở rác. Nay nhờ những người làm nghề ve chai mà môi trường đã sạch hơn, Nhà nước không phải trả lương, họ tự bán rác tạo thu nhập. Nghề ve chai đang được khuyến khích tại địa phương, đang trở thành nghề thời thượng”, ông Đường nói và cho biết thêm, Hội Nông dân Quảng Ninh đang có chương trình hỗ trợ người làm nghề ve chai, kết nối họ thành những nhóm tổ, hỗ trợ nhau cùng hoạt động. Hội Nông dân đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người thu gom phân loại rác về cách phân loại rác, an toàn vệ sinh lao động.
Cùng với đó, hỗ trợ các túi đựng rác bằng bao dứa, bao xi măng; các chế phẩm vi sinh để khi phân loại rác nếu có rác hữu cơ thì dùng chế phẩm đó tẩy rửa. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh cũng đã tặng hơn 30 chiếc xe đạp cho người đi thu gom rác, tổ chức nhiều chuyến tham quan. Sắp tới, thành phố đang có chính sách hỗ trợ cho những đối tượng này vay vốn, có thể lên đến 300 triệu đồng, lãi suất 0% trong vòng 2-3 năm.
NGỠ NGÀNG VỚI GREEN LIFE HẠ LONG
Chúng tôi đến thăm xưởng may tái chế Green Life Hạ Long nằm ở khu 3, phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long. Tại nhà xưởng rộng gần 200m2, chúng tôi rất ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng rất nhiều sản phẩm vừa độc đáo vừa rất đẹp mắt. Đó là những túi xách, ba lô thời trang, ống hút, chậu trồng hoa, thảm chùi chân rất đẹp.
Chị Trần Thị Hương, chủ xưởng may, hào hứng khi giới thiệu các sản phẩm cho chúng tôi xem và cho biết tất cả các sản phẩm này đều được sản xuất từ rác thải. Ý tưởng thành lập xưởng may tái chế được chị Hương phát triển từ mô hình “Biến rác thành tiền” do Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Hạ Long triển khai từ năm 2018.
Chị Hương là thành viên tích cực tham các hoạt động thu gom, phân loại rác thải để bán lấy tiền cho hoạt động chi hội. Sau khi tham gia một khóa học cắt may cơ bản; đồng thời tìm hiểu trên Internet, chị Hương thành lập Xưởng may tái chế Green Life Hạ Long tại gia đình vào tháng 12/2019. Với số vốn ban đầu hơn 50 triệu đồng, chị mua 4 máy may cùng các vật dụng cần thiết khác.
Bà Trần Thị Hương giới thiệu một số sản phẩm làm từ rác thải
“Chúng tôi nhận thức được tác hại của rác nhựa khi thải ra môi trường. Bởi vậy, thay vì là phế phẩm bỏ đi, những tấm pano, áp phích, chai, lọ, nhựa, thùng sơn, lốp xe, phao tàu hay những miếng vải thừa, vải vụn qua sử dụng, HTX Green life Hạ Long đã tái chế, tạo ra sản phẩm hữu ích”.
Bà Trần Thị Hương, Chủ xưởng may tái chế Green Life Hạ Long.
Với bàn tay khéo léo, các sản phẩm túi tái chế trở nên phong phú, đa dạng hơn, như túi xách đi chợ, túi vải đeo đi chơi, ba lô đi học, túi đựng tài liệu… với giá thành từ 20.000-200.000 đồng/sản phẩm. Những sản phẩm đầu tiên mà xưởng may làm ra, được chị em phụ nữ trên địa bàn thành phố mua để làm quà tặng cho hội viên, người thân trong gia đình.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Green Life Hạ Long đã tái chế được hàng chục tấn rác thải, sản xuất gần 700.000 sản phẩm tái chế các loại. Sản phẩm của Green Life Hạ Long ngày càng được người tiêu dùng biết đến, được Hội LHPN Hạ Long giới thiệu tại gian hàng Hội chợ OCOP Quảng Ninh năm 2020 và ở chợ Hạ Long I. Green Life Hạ Long có trang facebook để giới thiệu và bán các sản phẩm online.
Sản phẩm của Green Life Hạ Long không chỉ hạn chế nguồn rác nhựa thải ra môi trường, mà còn góp phần tạo việc làm, thu nhập cho 7 lao động làm tại xưởng, thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
“SỐNG XANH” TRỞ THÀNH TRIẾT LÝ CỦA MỖI NGƯỜI
Mặc dù mới bắt đầu đón khách tham quan, trải nghiệm từ cuối tháng 5/2022 nhưng đến nay, Green life Hạ Long đã đón hàng trăm lượt khách.
“Ban đầu tôi chỉ nghĩ là lập mô hình tái chế rác, chứ không nghĩ được rằng nó sẽ kết nối với du lịch trải nghiệm. Hiện một số tour du lịch đã ký hợp đồng hết năm 2023, vì khách phản hồi là rất thích nơi đây. Nhiều khách Tây đến tham quan Green life Hạ Long cứ mê mẩn các đồ vật tái chế, họ mải mê xem không muốn rời đi”, chị Hương tự hào kể.
Hội Phụ nữ TP Hạ Long đang vận động chị em phụ nữ trên địa bàn cùng xây dựng lối “sống xanh”. Đối với chị, “sống xanh” đã trở thành niềm đam mê, được chị “thổi hồn” vào những sản phẩm tái chế từ rác thải.
Bà Trần Thanh Thủy, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh, cho biết “Sống xanh” sẽ không chỉ dừng lại ở trào lưu mà đang lan tỏa thành những làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Nhiều gia đình tại Hạ Long đã tận dụng tất cả các rác thải nhựa để biến thành gạch sinh thái, từ đó xây dựng thành ghế đá, bồn hoa… Tất cả việc làm đó sẽ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và tận dụng tài nguyên rác, biến chúng thành những vật dụng hữu ích trong cuộc sống.
“Từ những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại len lỏi vào mỗi gia đình hiện nay như sử dụng làn đi chợ, phân loại rác thải tại gia đình…và hình thành nên những hành động hết sức thiết thực để bảo vệ môi trường sống xung quanh chúng ta. Từ những hành động nhỏ đó đã tác động đến ý thức của mỗi người trong xã hội, góp phần xây dựng Quảng Ninh phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, bà Thủy khẳng định.
-Chu Khôi