Trang chủ » BLOG » Tăng cường phối hợp để bảo vệ lợi ích của ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới có rất nhiều đóng góp của ngành ngoại giao. Đối với việc gỡ thẻ vàng IUU, truy xuất nguồn gốc, thông tin thị trường xuất khẩu…Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất cần các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc một cách quyết liệt…

Chiều 9/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu đoàn các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm trao đổi về định hướng hợp tác trong thời gian tới.

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI, GIẢI QUYẾT RÀO CẢN THỊ TRƯỜNG

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã thông tin khái quát về tình hình phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian gần đây. Theo đó, giá trị gia tăng toàn ngành nông lâm ngư nghiệp trong năm 2022 tăng 3 – 3,1%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD; xuất siêu hơn 9 tỷ USD, chiếm hơn 70% xuất siêu của cả nền kinh tế.

Để có kết quả tốt về mặt xuất khẩu nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan:”Ngành ngoại giao có vai trò rất quan trọng trong công tác quảng bá thương hiệu và đưa hình ảnh nông sản Việt Nam ra thế giới”.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, với lợi thế nổi bật về nông nghiệp và thị trường nhiều tiềm năng, Việt Nam đã thu hút được lượng đầu tư nước ngoài đáng kể cho ngành nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam đã thu hút được các tập đoàn lớn và có tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới, và có giá trị vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Nestle, De Heus, CJ, CP, New Hope… Bên cạnh đó, công tác thu hút vốn ODA cũng được tích cực đẩy mạnh.

 

“Qua các chuyến công tác nước ngoài, tôi nhận thấy có những điều cần chuyển đổi với từng khu vực, từng thị trường, nơi có các đặc điểm, văn hóa tiêu dùng riêng. Trong một thế giới phức tạp kèm theo những biến động thay đổi trong tiêu dùng, ngành nông nghiệp phải thích ứng một cách chủ động. Điều đó đòi hỏi phối hợp chặt hơn giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Nông nghiệp, đòi hỏi phải có cách nhìn khác”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

“Công tác quảng bá thương hiệu nông sản rất quan trọng và ngành ngoại giao có vai trò lớn trong việc đưa hình ảnh nông sản Việt Nam ra thế giới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

“Tôi tưởng tượng buổi sáng nào đó ở quốc gia nào đó người ta ăn cơm sẽ nói đây là gạo Việt Nam, ăn cá, ăn xoài sẽ nói đây là là cá, là xoài của Việt Nam. Hai tiếng Việt Nam sẽ vang lên ở từng quốc gia thế giới trong ngôi nhà 8 tỉ người này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan hy vọng, đồng thời cho rằng việc mua bán nông sản không chỉ là con số vô hình mà là cảm xúc, là những thể hiện hữu hình, là hình ảnh Việt Nam, thương hiệu quốc gia. Hình ảnh đất nước Việt Nam có người nông dân Việt Nam. 

“Với con số xuất nhập khẩu nông sản ngày càng tăng, chúng ta đã nhìn được đặc điểm của thị trường để cho những năm sau, những mặt hàng nào lợi thế cạnh tranh không cao để chuyển đổi phù hợp”, Bộ trưởng lưu ý và cho biết hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước cũng như chiến lược, định hướng phát triển của ngành.

Theo đó, Bộ đã triển khai thực hiện các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản đến năm 2030. Đồng thời cũng đang xây dựng Chiến lược Hợp tác quốc tế ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030 với quan điểm nhất quán về đường lối đối ngoại: tự chủ, hữu nghị, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

CẦU NỐI GIỮA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VỚI THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra một số kiến nghị giải pháp chính và mong muốn Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Bộ trong một số nhiệm vụ để triển khai Chiến lược Hợp tác quốc tế của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới.

Trong đó, đẩy mạnh tăng cường chia sẻ thông tin và hỗ trợ từ Trưởng đại diện các cơ quan Việt Nam tại nước ngoài trong việc đưa các đoàn công tác của Bộ tham gia đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt các FTA thế hệ mới; huy động hệ thống truyền thông đa phương tiện để tuyên truyền, phổ biến các FTA, quy định của các nước nhập khẩu.

 

“Ngành nông nghiệp cũng rất cần sự hợp tác khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ gene, các mô hình nông nghiệp tiên tiến. Chúng tôi mong ngành ngoại giao chỉ đường đi, ngoại giao không chỉ bán nông sản mà còn đưa tri thức, đưa đội ngũ các nhà khoa học từ các nước và nhà khoa học Việt kiều từ  khắp nơi về hợp tác”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cùng với đó, nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh và thị phần của các ngành hàng nông lâm thủy sản Việt Nam tại các thị trường, qua đó thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam theo hướng sinh thái, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, hỗ trợ tăng thu nhập cho người sản xuất. Tích hợp đa giá trị trong xuất khẩu nông lâm thủy sản, gắn xuất khẩu nông lâm thủy sản với ẩm thực, văn hóa, du lịch và môi trường…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất, khi đưa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm văn hóa ra nước ngoài nên có sự phối hợp, kết hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Ngoại giao để bổ sung không gian tiếp thị cho nhau, mở rộng không gian quảng bá văn hóa, tiết kiệm cho nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu lên những mong muốn mà ngành nông nghiệp và người nông dân đang rất cần sự hỗ trợ của ngành ngoại giao. Cụ thể như việc gỡ thẻ vàng IUU, truy xuất nguồn gốc, thông tin thị trường xuất khẩu…  Đối với vấn đề gỡ thẻ vàng IUU, đề nghị các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc một cách quyết liệt, các Đại sứ nên tiếp xúc với lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội các nước sở tại để thuyết phục, vận động và nên có thời hạn để giải quyết được vấn đề này.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chụp ảnh lưu niệm với Thứ trưởng Đõ Hùng Việt và đoàn Bộ Ngoại giao.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đánh giá cao kết quả phối hợp giữa hai Bộ trong những hoạt động phát triển nền nông nghiệp của đất nước thời gian qua. Đồng thời khẳng định: “Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác thực hiện nhiệm vụ chung, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển xuất khẩu và tiêu thụ nông sản ra các thị trường nước ngoài”

Đặc biệt, phát huy hơn nữa vai trò và sự phối hợp giữa trong và ngoài nước trong công tác đấu tranh, bảo vệ lợi ích của ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam, đặc biệt trong việc gỡ bỏ thẻ vàng IUU, các cuộc điều tra về khai thác và sử dụng gỗ bất hợp pháp, chống bán phá giá và hỗ trợ xử lý các tranh chấp thương mại đối với xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt tin tưởng rằng buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ mang lại những giá trị thiết thực, là cơ sở để các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xây dựng các kế hoạch hành động của riêng mình phục vụ phát triển ngành nông nghiệp trong nước.

-Chương Phượng

Viết một bình luận