Doanh nghiệp tạo tác động xã hội đang thiếu khả năng tiếp cận các nguồn lực chất lượng, khó tiếp cận thị trường sản phẩm và thị trường vốn, thiếu một hệ sinh thái hỗ trợ phát triển bền vững…
Ngày 15/3, Viện nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID) công bố các nền tảng sáng tạo thúc đẩy phát triển bền vững “Drive Innovation for Impact”. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt với hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp Việt Nam khi cùng lúc công bố 3 nền tảng số do IID phát triển và vận hành.
3 NỀN TẢNG SÁNG TẠO THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
PGS.TS Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, Nghiên cứu trưởng IID cho biết thông qua các nghiên cứu quốc gia đã được IID thực hiện, kết quả cho thấy thách thức lớn nhất của khu vực sáng tạo xã hội, kinh doanh tạo tác động là thiếu khả năng tiếp cận các cơ hội và nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng, tiếp cận thị trường sản phẩm và thị trường vốn, cũng như thiếu một hệ sinh thái hỗ trợ.
Công bố các nền tảng sáng tạo thúc đẩy phát triển bền vững.
Chính vì vậy 3 nền tảng số được Viện IID phát triển và ra đời giải quyết ba vấn đề lớn. Cụ thể, impactUP [impactup.site] nền tảng đào tạo, ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp xã hội. impactUP giải quyết “nỗi đau” liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cho khu vực kinh doanh xã hội.
impactUP có các chương trình đào tạo dành riêng cho thanh niên, sinh viên và doanh nhân khởi nghiệp xã hội. Đồng thời impactUP cũng cung cấp chương trình ươm tạo khởi nghiệp xã hội cho đối tượng thanh niên và chương trình tăng tốc kinh doanh cho các doanh nghiệp tạo tác động đến giai đoạn sẵn sàng gọi vốn.
Trên impactUP hiện đang có 40 module học tập khác nhau với 3 nhóm kiến thức về tinh thần công dần toàn cầu, khởi nghiệp xã hội và tăng tốc doanh nghiệp tạo tác động.
Còn nền tảng iMapVietnam [imapvietnam.org] giúp xác thực doanh nghiệp và đo lường tác động cho các doanh nghiệp kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam. iMap hiện nay vẫn là một trong ba bản đồ số khu vực kinh doanh tạo tác động duy nhất trên thế giới.
iMap hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp tạo tác động và các tổ chức hỗ trợ đang có chỉ dấu trên bản đồ. iMap giúp cho doanh nghiệp được kết nối với người tiêu dùng quan tâm đến sử dụng sản phẩm dịch vụ có trách nhiệm, đồng thời kết nối doanh nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng.
Với nền tảng V.innovate [vinnovate.vn], đây là nền tảng đánh giá hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp và tác động xã hội cho các trường đại học và các địa phương. Các bộ chỉ tiêu của V.innovate có thể giúp người dùng tự đánh giá, định vị các trường đại học, mức độ phát triển của hệ thống doanh nghiệp địa phương trên các tỉnh, thành phố Việt Nam.
Trên vinnovate.vn, IID cung cấp 3 bộ chỉ tiêu đánh giá gồm U.innovate – đánh giá đại học khởi nghiệp sáng tạo, U.impact – đánh giá đại học tạo tác động xã hội và P.innovate đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương.
GIẢI BÀI TOÁN THÁCH THỨC
Theo chia sẻ của PGS.TS Trương Thị Nam Thắng, tính đến năm 2021 cả nước mới có 300 doanh nghiệp xã hội đăng ký theo Luật doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp xã hội là loại hình tổ chức sử dụng công cụ kinh doanh để giải quyết vấn đề xã hội, lấy kinh doanh là phương tiện, xã hội là mục tiêu. Vì thế, doanh nghiệp tạo tác động xã hội cần được nhân rộng.
PGS.TS Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội.
“Các nền tảng của IID bản chất là dân chủ hoá tiếng nói của người dân, mở ra để lắng nghe tiếng nói của tất cả xã hội chứ không chỉ những người liên quan. Đồng thời, sản phẩm này không chỉ dùng tại Việt Nam mà dùng được trong khu vực và trên toàn cầu, nhằm kết nối, thu hút nhiều thành phần tham gia vào mạng lưới doanh nghiệp xã hội hơn”, bà Thắng cho biết.
“Chúng tôi không chỉ phát triển khu vực doanh nghiệp xã hội đăng ký theo luật mà phát triển tinh thần kinh doanh vì xã hội. Doanh nghiệp thông thường thấy rằng họ tham gia các hoạt động, phát huy tinh thần kinh doanh vì xã hội sẽ là một phần của luật chơi. Ở đó họ sẽ đẩy được giá trị thương hiệu, xây dựng được chữ tín với các bên cũng như có được sự trung thành của nhân viên”, đại diện IID nói thêm.
Khẳng định vai trò quan trọng của 3 nền tảng trên, ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo quốc gia cho hay, doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp tạo tác động xã hội đang là xu hướng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung.
Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo quốc gia.
3 nền tảng là nguồn lực kết nối rất tốt để chúng ta có được sự tập trung từ các tổ chức hỗ trợ, từ các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nghiên cứu, từ quốc gia để hỗ trợ và tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp kinh doanh tạo tác động.
Khó khăn của doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp tạo tác động xã hội là đầu vào và đầu ra. Đầu vào đó là năng lực của bản thân chủ thể bởi các nhà sáng lập đến từ nhiều thành phần khác nhau, từ khu vực miền núi, từ nhóm người yếu thế, phụ nữ… họ tập trung vào hỗ trợ cộng đồng, xã hội hoặc tìm kiếm các giải pháp ứng dụng cộng nghệ nhằm tạo tác động tích cực tới xã hội, môi trường.
Nếu so với một doanh nghiệp bình thường thì doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp tạo tác động cần nguồn lực hơn rất nhiều. Như vậy đầu vào từ vốn, kiến thức nâng cao năng lực và sự kết nối.
Còn đầu ra cho sản phẩm là vấn đề quan trọng khi xác định doanh nghiệp xã hội có lợi thế hay bất lợi gì khi đưa sản phẩm ra thị trường… Để giải quyết bài toán này, các công cụ trên chính là nền tảng kết nối. Tuy nhiên, theo ông Thắng, việc xây dựng nền tảng thì rất dễ nhưng vấn đề ai sẽ là người tham gia vào nền tảng.
“Chúng ta cần có hoạt động đủ mạnh để kéo tất cả các cấu phần của hệ sinh thái cộng đồng tham gia vào nền tảng. Song đây không phải một chốc một lát. Do đó, cần có nhiều hoạt động nâng cao về năng lực, nâng cao ý thức, kết nối xã hội để nền tảng thực sự thu hút mọi người tham gia, giống như chợ xây xong thì phải có người vào mua và bán”, ông Thắng nói.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng doanh nghiệp xã hội khi thành công họ sẽ chia sẻ cách thức và kinh nghiệm thành công cho người khác. Bởi họ nhận thấy rằng sức lực của họ là có hạn, càng nhiều người tham gia và nhân rộng thì càng hay. Đây chắc chắn là những nền tảng giúp ích nhiều cho nhân rộng doanh nghiệp xã hội.
-Vũ Khuê