Giới phân tích cho rằng mức thặng dư này có thể khiến cho căng thẳng giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn càng thêm nóng…
Xuất khẩu của Trung Quốc tháng 6 vừa qua tăng mạnh nhất 15 tháng trở lại đây, góp phần đẩy thặng dư thương mại của nước này lên mức cao kỷ lục. Giới phân tích cho rằng mức thặng dư này có thể khiến cho căng thẳng giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn càng thêm nóng.
Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 12/7 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng 8,6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 308 tỷ USD. Mức tăng này vượt mức dự báo tăng 8% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, đồng thời cao hơn mức tăng 7,6% ghi nhận trong tháng 5.
Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 209 tỷ USD. Trước đó, giới chuyên gia dự báo mức tăng 2,8% cho tháng 6 và mức tăng thực tế của tháng 5 là 1,8%.
Việc xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh được cho là vì các nhà sản xuất đẩy nhanh việc giao hàng trước khi có thêm nhiều quốc gia áp thuế quan mới lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, nhập khẩu giảm được cho là một chỉ báo về nhu cầu ảm đạm trong nước.
NHIỀU NƯỚC CÓ THỂ CỨNG RẮN HƠN VỚI HÀNG TRUNG QUỐC
Sau khi những dữ liệu này được đưa ra, giới phân tích tiếp tục kêu gọi Chính phủ Trung Quốc tăng cường các biện pháp kích cầu để vực dậy nền kinh tế có quy mô 18,6 nghìn tỷ USD. Họ cảnh báo rằng không có điều gì đảm bảo chắc chắn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ sẽ duy trì trong những tháng sắp tới, vì các đối tác thương mại của Trung Quốc đang ngày càng cứng rắn hơn.
“Báo cáo xuất nhập khẩu phản ánh tính trạng của kinh tế Trung Quốc hiện nay, với nhu cầu trong nước đang yếu và hoạt động sản xuất được đẩy mạnh để tranh thủ nhu cầu của các thị trường xuất khẩu”, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của công ty Pinpoint Asset Management nhận định với hãng tin Reuters. “Liệu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có thể duy trì ở mức cao hay không là một rủi ro đối với nền kinh tế Trung Quốc trong nửa sau của năm nay. Nền kinh tế Mỹ đang yếu đi. Xung đột thương mại đang gia tăng”.
Xuất khẩu tăng mạnh là một trong những điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh nước này chật vật với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và nhu cầu tiêu dùng yếu, bất chấp các nỗ lực kích cầu của Chính phủ. Việc giá nhà tiếp tục dò đáy và mối lo về công ăn việc làm đang khiến người tiêu dùng Trung Quốc ngại chi tiêu.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quốc gia tìm cách hãm bớt làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc, dẫn tới rủi ro đối với tăng trưởng xuất khẩu của nước này, cũng như mục tiêu của Bắc Kinh về đạt mức tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%. Mức thặng dư thương mại tháng 6 của Trung Quốc có thể khiến nhiều nước cảm thấy lo ngại và đẩy mạnh các biện pháp hạn chế đối với hàng Trung Quốc.
Trong tháng 6, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại 99,05 tỷ USD, cao nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được ghi lại vào năm 1981, so với mức dự báo 85 tỷ USD và mức thặng d 82,62 tỷ USD của tháng 5. Mỹ từ lâu đã coi thặng dư thương mại của Trung Quốc là bằng chứng về thương mại không bình đẳng và chỉ có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc.
Hồi tháng 5, Mỹ đã tăng thuế quan đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm tăng gấp 4 lần thuế quan áp lên ô tô điện Trung Quốc lên mức 100%. Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng bắt đầu áp thuế quan bổ sung lên tới gần 38% đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay cũng khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc cảm thấy lo lắng, bởi cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ đều theo đuổi lập trường cứng rắn với Bắc Kinh về thương mại.
Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ áp thuế quan bổ sung 40% lên ô tô điện Trung Quốc. Canada cho biết đang cân nhắc áp thuế quan lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Indonesia có kế hoạch áp thuế quan lên tới 200% đối với hàng dệt may nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Ấn Độ đang theo dõi thép giá rẻ từ Trung Quốc. Trong khi đó, đàm phán giữa Trung Quốc và Saudi Arabia về một thỏa thuận tự do thương mại được cho là đã rơi vào ngưng trệ do mối lo về bán phá giá hàng hóa.
MỐI LO TỪ SỰ SUY GIẢM NHẬP KHẨU
Không chỉ là một tín hiệu xấu về nhu cầu trong nước, việc kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm có thể còn là một chỉ báo xấu về kim ngạch xuất khẩu của nước này trong những tháng tới, vì gần 1/3 nhập khẩu của Trung Quốc là linh kiện để tái xuất khẩu, nhất là trong lĩnh vực hàng điện tử.
Số lượng nhập khẩu con chip của Trung Quốc trong tháng 6 năm nay chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy việc Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ vào mở rộng sản xuất các loại chip thế hệ cũ – thường gọi là chip truyền thống và được sử dụng trong mọi sản phẩm từ điện thoại thông minh cho tới máy bay chiến đấu – đang làm cong vênh nguồn cung và nhu cầu. Ủy ban châu Âu (EC) được cho là đã bắt đầu thăm dò quan điểm của ngành công nghiệp chip châu Âu về việc Trung Quốc mở rộng sản xuất chip truyền thống. Việc này có thể dẫn tới các biện pháp hạn chế khả năng xuất khẩu hàng điện tử vốn đang mạnh mẽ của Trung Quốc.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy nhu cầu trong nước còn yếu, xuất khẩu thép của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này phản ánh tình trạng ảm đạm của hoạt động xây dựng ở Trung Quốc – một trong những lĩnh vực tiêu thụ nhiều thép nhất ở nước này.
Giới phân tích dự báo trong ngắn hạn, Bắc Kinh sẽ tiếp tục triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Lời hứa gia tăng kích cầu bằng chính sách tài khóa được đánh giá là đang giúp tiêu dùng ở Trung Quốc có phần khởi sắc hơn.
“Có vẻ như việc Trung Quốc phát hành mạnh trái phiếu chính phủ từ tháng 5 vẫn chưa phát huy tác dụng đối với đầu tư cơ sở hạ tầng và nhu cầu hàng hóa đầu vào”, nhà kinh tế Zichun Huang của công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định. “Nhưng chúng tôi cho rằng hiệu quả sẽ sớm được thể hiện, thúc đẩy hoạt động của lĩnh vực xây dựng”.
-An Huy