Xuất khẩu rau quả, cà phê đã có kim ngạch vượt trên 5 tỷ USD/năm, trong khi đó, mặt hàng chè chỉ khoảng 200 – 300 triệu USD/năm. Hơn nữa, giá chè xuất khẩu bình quân cũng chỉ đạt 1.750 USD/tấn, bằng 1/2 so với thế giới và bằng 1/3 so với tiêu thụ trong nước. Cần phải làm một cuộc cách mạng, thay đổi tư duy và sản xuất, tìm con đường thương mại mới cho chè Việt…
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè đạt 123,8 nghìn tấn, với kim ngạch 217,7 triệu USD, tăng 32,1% về khối lượng và tăng 33,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá chè xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 1.758 USD/tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 10 tháng năm 2024 qua, Pakixtan (chiếm thị phần 40%), Đài Loan (thị phần 10,1%) và Trung Quốc (thị phần 8%) là 3 thị trường xuất khẩu chè lớn nhất so với Việt Nam.
GIÁ TRONG NƯỚC CAO HƠN GIÁ XUẤT KHẨU
Tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao” mới đây, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết ngành chè thu hút lực lượng lao động lớn với hơn 6 triệu người từ 34 tỉnh, thành phố. Việt Nam có điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp cho ngành chè phát triển, với những thương hiệu chè nổi tiếng như: Shan tuyết (Hà Giang), Suối Giàng (Yên Bái), chè B’lao, Ô long Cầu Đất (Lâm Đồng)… Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo ông Mạnh, sản lượng chè những năm qua có xu hướng tăng dù diện tích giảm nhẹ, bởi năng suất tăng. Cụ thể, sản lượng chè đạt 1 triệu tấn năm 2015 tăng lên 1,125 triệu tấn năm 2023. Theo phân vùng sản xuất, sản lượng chè của Việt Nam tập trung chính tại miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỷ lệ lần lượt là 74,7% và 10,94%.
“Cho đến nay, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, giá xuất khẩu chỉ bằng 50 – 75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới”.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.
“Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng (tương đương với 325 triệu USD). Như vậy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, nhưng giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn”, ông Mạnh cho biết.
Nhìn nhận về thực trạng này, ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết thế giới nhìn nhận chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, tự làm mới mình, mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đây là lý do chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới.
“Tiêu thụ nội địa, chúng ta làm rất tốt, như tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên, giá bán chè ở mức 7 USD – 20 USD/kg. Như vậy, hòa chung với giá tiêu thụ nội địa, giá chè trung bình khoảng 4 USD/kg. Trong khi đó, giá chè xuất khẩu bình quân chỉ là 1,75 USD/kg”, ông Long nêu thực tế.
ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI, TẬN DỤNG CƠ HỘI TỪ FTA
Trước thực trạng trên, các nhà quản lý, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chè cùng thống nhất: phải thay đổi tư duy để tìm con đường thương mại mới cho chè Việt. Ông Long cho rằng hiện nay tại Việt Nam, có nhiều nhà máy nhỏ chắp vá đang rơi vào bẫy giá rẻ do thời gian dài chưa có đổi mới. Vì vậy, để khắc phụ hiện trạng này, cần tập trung liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, chính quyền địa phương. Tất cả cần vào cuộc để khai thác tiềm năng, bỏ tư duy dìm giá, phân tán thị trường.
Theo ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thế hệ mới, trong giai đoạn hiện nay, người sản xuất, chế biến và thương mại chè cần thay đổi về cách tư duy. “Cây chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo nữa mà phải trở thành cây làm giàu”, ông Tuân nhấn mạnh.
“Hiện nay, bên cạnh việc sản xuất chè theo cách truyền thống, một số sản phẩm phụ trợ như bột matcha… ngày càng được thị trường đón nhận. Việt Nam có nhiều sản phẩm chè độc đáo như chè sen được ướp tạo mùi hương tinh tế, đủ khả năng đưa lên tầm quốc bảo với giá trị cao hơn. Điều này đặt ra những vấn đề về tư duy sản xuất gắn với nhu cầu thị trường”.
Ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thế hệ mới.
PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, khẳng định: “Một sản phẩm chè cao cấp luôn được gắn với giống”.
Hiện nay, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đang có hai loại giống chè xuất xứ từ Việt Nam, dư sức cạnh tranh với các giống chè đặc sản trên thế giới. Đó là giống chè Hương Bắc Sơn được tạo ra bằng lai hữu tính, mẹ là giống Kim Tuyên với bố là giống chè Trung Du. Chè VN15 được lai hữu tính giữa mẹ là giống Saemidori với bố là giống Shan Cù Dề Phùng. Hai loại chè này đã được chuyên gia Đài Loan mà Viện mời về đánh giá cao vì chất lượng tuyệt vời.
“Trước đây, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tập trung vào hướng nghiên cứu giống năng suất cao, chất lượng tốt để phát huy kinh tế và nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, chúng tôi tập trung phát triển giống có chất lượng cao để đáp ứng sản xuất chè cao cấp”, ông Toàn nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề thị trường và xúc tiến thương mại cho sản phẩm chè, các chuyên gia đề xuất đẩy mạnh thương mại điện tử và ứng dụng các công cụ kinh tế số như ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết vùng sản xuất với hệ thống phân phối và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ giúp mở rộng thị trường trong và ngoài nước, từ đó nâng cao giá trị ngành chè.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46-2024 phát hành ngày 11/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
-Chu Khôi