Sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng, bởi ngày càng nhiều người từ lĩnh vực nông nghiệp đã chuyển đổi nghề sang các lĩnh vực khác có thu nhập tốt hơn. Do đó, yêu cầu tăng cường sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp trở nên hết sức bức thiết. Hàng năm Việt Nam vẫn phải chi khoảng từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD để nhập khẩu máy nông nghiệp…
Nhằm thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, Chính phủ đã có nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam. Cụ thể, Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông – lâm, ngư nghiệp thuộc danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư phát triển.
Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó sản xuất máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp nông thôn. Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó nêu rõ: dự án liên kết được ngân sách hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong giai đoạn từ năm 2011 – 2022, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần; máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần. Đối với sản xuất lúa, hiện tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cày bừa và làm đất nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo sạ đạt 42%, chăm sóc lúa đạt 77% và thu hoạch lúa đạt 65%.
THỊ PHẦN MÁY NÔNG NGHIỆP THUỘC VỀ NƯỚC NGOÀI
Nghiên cứu thị phần, quy mô và tốc độ tăng trưởng doanh thu năm 2023 của máy nông nghiệp Việt Nam do Mordor Intelligence Industry Reports thực hiện, cho thấy cả nước có 1.803 doanh nghiệp cơ khí nhưng mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu máy nông nghiệp tại Việt Nam.
Trong khi đó, các nhà cung cấp châu Á từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang chiếm lĩnh thị trường máy nông nghiệp tại Việt Nam. Kubota, CLAAS KGaA mbH, Yanmar, Iseki, CNH và VEAM là những công ty cung cấp máy móc nông nghiệp lớn nhất tại thị trường Việt Nam.
Đến nay, ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp tại Việt Nam đã có sự phát triển với đa dạng các chủng loại sản phẩm, gồm: động cơ đốt trong đến 30 mã lực, máy làm đất (máy cày 4 bánh và 2 bánh), máy thu hoạch (gặt đập liên hợp, gặt lúa xếp dãy, máy tuốt lúa), máy bơm nước, máy phun thuốc sâu, máy bảo quản và chế biến (xay xát lúa gạo, máy sấy).
Thị trường máy nông nghiệp rất hấp dẫn đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất máy móc, thiết bị. Đơn cử như tháng 12/2022, Thaco Industries, công ty con của Tập đoàn sản xuất ô tô Thaco, đã đầu tư 550 triệu USD để sản xuất hàng loạt máy móc nông nghiệp và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như phụ tùng và linh kiện ô tô, sơ mi rơ moóc và các máy móc bổ sung khác để xuất khẩu và bán trong nước.
Công ty Kubota Việt Nam (thuộc Tập đoàn Kubota của Nhật Bản) đã hợp tác với nhà sản xuất chip Nvidia của Mỹ để phát triển máy kéo nông nghiệp tự lái rất tinh vi. Các máy kéo được trang bị bộ xử lý đồ họa Nvidia và trí tuệ nhân tạo, kết hợp với camera để xử lý ngay lập tức dữ liệu thu thập được để cung cấp giải pháp tiết kiệm lao động giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động trong ngành nông nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
NHỮNG ĐIỂM YẾU CỦA NGÀNH CƠ KHÍ NÔNG NGHIỆP
Theo Mordor Intelligence Industry Reports, thị trường máy móc nông nghiệp ở Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức. Các loại máy sản xuất nông nghiệp trong nước chủng loại nghèo nàn, đặc biệt là máy gặt đập liên hợp hiện nay trên thị trường, chiếm đến 90% là máy nước ngoài, chỉ có 10% máy trong nước. Bên cạnh đó, máy sấy nông sản cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và ở mức độ đơn giản, tức sấy khô, nếu để đảm bảo chất lượng cao cho xuất khẩu thì chưa đạt.
Ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đánh giá ngành cơ khí nông nghiệp ở Việt Nam còn tụt hậu so với mức thiết bị trung bình ở các nước ASEAN. Các nhà sản xuất trong nước có thị phần tương đối thấp, trong khi thị phần đáng kể trong nhu cầu thị trường máy nông nghiệp hiện được cung ứng bởi các sản phẩm nhập khẩu, chiếm khoảng 60 – 70%.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ về cơ khí nông nghiệp còn hạn chế, chậm chuyển giao vào sản xuất. Trong khi đó, các chính sách khuyến khích của Nhà nước chưa đủ mạnh để các doanh nghiệp lớn tiên phong trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm máy nông nghiệp, chưa hình thành nhà máy chế tạo máy nông nghiệp chuyên sâu, mở rộng thị trường quốc tế. Cơ chế hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển cho các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp chưa hấp dẫn các cơ sở đầu tư cơ khí..
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 05-2024 phát hành ngày 29-01-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
-Chu Khôi