Trang chủ » BLOG » Xử lý tranh chấp hiệu quả để nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư Việt Nam – Nhật Bản

Quản trị rủi ro, giải quyết tranh chấp hiệu quả chính là góp phần vào quá trình nâng cao pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam, thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản hơn…

Tại toạ đàm “Thương mại và đầu tư Nhật Bản-Việt Nam: tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong nghịch cảnh” ngày 11/5, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết năm 2023 đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản và 20 năm triển khai thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản.

Với lịch sử hợp tác phát triển lâu đời giữa hai quốc gia, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới mà Việt Nam có quan hệ đối tác, chiến lược sâu rộng. Cụm từ “Đối tác chiến lược sâu rộng” chỉ dành cho Nhật Bản và thực sự mối quan hệ hợp tác của hai nước trong 50 năm qua đặc biệt trong những năm gần đây phát triển hết sức mạnh mẽ, trở thành mẫu mực trong quan hệ hợp tác giữa một nước phát triển và một quốc gia đang phát triển.

Nhật Bản đang là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong tất cả lĩnh vực quan trọng nhất, như đầu tư, thương mại, du lịch, viện trợ phát triển, hợp tác khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ,…

Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản cũng là những đối tác chiến lược sâu rộng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đầu tư của Nhật Bản hiện đang có mặt ở hầu hết các tỉnh thành phố và dẫn dắt trong các lĩnh vực thương mại công nghiệp với chất lượng đầu tư và chất lượng giao lưu thương mại, khoa học công nghệ ở một trình độ cao.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu.

Ông Tadahiro Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho hay, hiện có hơn 2.000 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Một nửa trong số đó hoạt động trong lĩnh vực sản xuất.

Trong những năm gần đây, trước nhu cầu cơ sở hạ tầng và thị trường tiêu dùng sôi động của Việt Nam, các công ty Nhật Bản ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào phát điện năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng sản xuất điện khác, phát triển đô thị như trung tâm mua sắm.

Có thể thấy từ kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Việt Nam là điểm đến phát triển kinh doanh hứa hẹn nhất trong ASEAN đối với các công ty Nhật Bản. Hơn 60% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong hai năm tới.

Tuy nhiên, ông Tadahiro Kinoshita lưu ý, các công ty Nhật Bản khi mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cần tính đến rủi ro tranh chấp thương mại sẽ gia tăng, chẳng hạn như không thực hiện đúng hợp đồng.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản dẫn chứng, như năm ngoái đã có một vấn đề bất cập mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản gặp phải liên quan tới việc thực hiện các quy định mới ban hành về phòng cháy chữa cháy.

Ông Tadahiro Kinoshita cho rằng có những trường hợp nhà máy không thể đưa vào hoạt động mặc dù đã hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng và nhà kho do không xin được giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy.

Dù là công ty xây dựng Nhật Bản hay một công ty xây dựng địa phương Việt Nam đều không thể bàn giao được công trình nên cũng không thể thu hồi chi phí xây dựng, còn chủ đầu tư là doanh nghiệp sản xuất thì cũng đánh mất cơ hội kinh doanh do sự chậm trễ trong việc đưa nhà máy vào hoạt động.

“Trong tương lai, vấn đề ai sẽ chịu chi phí xây dựng bổ sung để đáp ứng được các quy định mới về phòng cháy chữa cháy… ngày càng trở nên nổi cộm”, ông Tadahiro Kinoshita đặt vấn đề.

Nếu đưa vụ việc tranh chấp này ra toà án, vị đại diện này cho rằng sẽ vô cùng tốn thời gian và chi phí. Đồng thời các doanh nghiệp còn lo ngại về việc liệu tòa án có đưa ra phán quyết công bằng hay không. Do đó, nhu cầu của các doanh nghiệp về việc muốn xử lý nhanh chóng thông qua các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế sẽ tiếp tục tăng.

Ngoài ra, ông Tadahiro Kinoshita có một yêu cầu từ góc độ cải thiện môi trường để sử dụng nhiều hơn trọng tài. Theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, các phán quyết của trọng tài Việt Nam và của trọng tài nước ngoài đều có thể cưỡng chế thi hành tại Việt Nam.

“Vì thế, chúng tôi cho rằng trọng tài sẽ giúp đảm bảo việc thực hiện hợp đồng thương mại và là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tuy nhiên, phán quyết trọng tài của trọng tài nước ngoài phải được Tòa án Việt Nam công nhận thì mới có hiệu lực thi hành tại Việt Nam”, ông Tadahiro Kinoshita nhấn mạnh.

Ông Tadahiro Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Vị này băn khoăn, bởi trước đây, để thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, dường như đã có trường hợp doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu tòa án tại Việt Nam công nhận việc thi hành phán quyết trọng tài nhưng tòa án đã không công nhận khiến doanh nghiệp không thể thi hành được.

Ông Keigo Sawayama, Luật sư thành viên, Nagashima Ohno Tsunematesu, đại diện Trung tâm Giải quyết tranh chấp quốc tế Nhật Bản (JIDRC) cũng cho biết, có một số vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng. Nguyên nhân do sự chậm trễ thủ tục trong dự án khai thác bất động sản.

Nhưng việc khiếu nại lên cơ quan hành chính và tố giác hình sự không phải là phương pháp tối ưu để yêu cầu hoàn trả tiền. Chúng ta cần nghiên cứu phương pháp trọng tài, thương lượng và khả năng thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành sau đó.

“Người ta thường nói, ở các nước Đông Nam Á các phán quyết tư pháp dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài, nên rất khó có thể trông đợi việc nhận được các phán quyết công bằng tại tòa án. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào các thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) như trọng tài và hòa giải ở Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng các tổ chức trọng tài quốc tế của Việt Nam sẽ tiếp tục đảm bảo tính trung lập, minh bạch và nhanh chóng ở mức độ cao để có thể là một lựa chọn cho các công ty nước ngoài”, ông Tadahiro Kinoshita đề nghị.

TS Vũ Tiến Lộc đồng tình cho rằng: “Trong bối cảnh “thế giới không có bản đồ”, doanh nghiệp như những con thuyền trên đại dương mà không có hải trình, tranh chấp luôn có nguy cơ gia tăng”.

Vì thế, quản trị rủi ro, phòng ngừa tranh chấp rất quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp để quản trị rủi ro, phòng ngừa tranh chấp, giải quyết tranh chấp hiệu quả chính là góp phần vào quá trình nâng cao pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam.

-Vũ Khuê

Viết một bình luận